Bộ TT&TT sẽ cùng tháo gỡ các vướng mắc về kinh tế báo chí
Sáng 24/2, thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, báo chí hiện đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính.
“Các cơ quan báo, truyền hình tại Bình Định đã chuyển sang kinh tế đặt hàng. Nhà nước vẫn đảm bảo ngân sách đặt hàng, nuôi sống cơ quan báo chí.
Ngoài ra, cơ quan báo chí có thể ký hợp đồng với các đơn vị có nhu cầu về truyền thông. Năm nay, tỉnh Bình Định cũng dành khoản tiền để đặt hàng cơ quan báo chí”, ông Phạm Anh Tuấn nói.
Ông Phạm Anh Tuấn nhận định, các cơ quan báo chí phải có định mức, đơn giá đã xây dựng và được cơ quan chủ quản, cơ quan liên quan thống nhất. Đây là điều kiện tối thiểu, bắt buộc.
“Hiện nay, chính quyền địa phương ngày càng quan tâm hơn đến việc đặt hàng. Các sở ngành, quận huyện địa phương có khoản tiền dành cho truyền thông. Như vậy, việc quan trọng là bố trí ngân sách đã có”, ông Tuấn chia sẻ.
Chuyển đổi số trong báo chí
Phó trưởng ban Nhân Dân điện tử (báo Nhân Dân) Ngô Việt Anh cho biết, báo chí có nhiều khó khăn trong việc tăng nguồn thu.
“Báo chí khó khăn trong việc cạnh tranh truyền thông xã hội, thiếu cơ chế đặt hàng báo chí, và tình trạng vi phạm bản quyền. Cùng với đó, báo chí đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số, chiến lược kinh doanh chưa phù hợp”, ông Ngô Việt Anh nói.
Theo ông Ngô Việt Anh, Việt Nam hiện nay nhiều cơ quan chưa rạch ròi giữa việc tuyên truyền và truyền thông chính sách. Đây là nguồn thu rất lớn của các cơ quan báo chí, thậm chí là nguồn thu quan trọng. Hiện các cơ quan báo chí có quan tâm nhưng chưa đầy đủ.
Ông Ngô Việt Anh đưa ra một mô hình đặt hàng điển hình tại Hàn Quốc có thể tham khảo.
“Họ có quỹ báo chí quốc gia, là cơ quan thuộc chính phủ, tập hợp tất cả đặt hàng từ các cơ quan nhà nước. Họ đánh giá đặt hàng của các cơ quan đó phù hợp với đơn vị báo chí nào sau đó thực hiện giống như mời thầu”, ông Ngô Việt Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Ngô Việt Anh, sau khi sản phẩm ra, họ sẽ đánh giá, đưa các cơ quan báo chí vào các nhóm A, B… sau đó để các bộ, ngành lựa chọn.
Phó trưởng ban Nhân Dân điện tử nhìn nhận, việc chuyển đổi số trong nội tại cơ quan báo chí đang gặp nhiều vấn đề. Chuyển đổi số trên mạng xã hội chưa được các cơ quan báo chí chú trọng, một số báo cho rằng đó là kênh phát tán chứ chưa chú trọng chính vào môi trường này.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng, Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ báo chí.
“Bộ TT&TT rà soát lại những nghị định, văn bản liên quan đến những vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí”, ông Trần Thanh Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, những ý kiến tại diễn đàn nên chuyển đến tất cơ quan báo chí khác không tham dự. Cùng với đó, nên có những buổi tập huấn riêng cho những người làm về cách thức, thủ tục về mặt tài chính cho các báo. Các cơ quan báo chí cần có một phó tổng biên tập, phó tổng giám đốc phụ trách về tài chính, quản lý, không nhất thiết về nội dung.
'Kinh tế báo chí là mối lo hàng ngày'
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, kinh tế báo chí là mối lo hàng ngày nhưng trên truyền thông chưa có nhiều diễn đàn nói về kinh tế báo chí.
“Diễn đàn lần này được tổ chức vào đúng thời điểm trên thế giới các nền tảng mạng xã hội lớn nhất, kiếm được doanh thu quảng cáo nhiều nhất giờ đây đang đứng trước xu hướng sụt giảm và sa thải hàng loạt nhân viên. Theo chia sẻ, cuối năm 2022 vừa qua doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm gần như theo chiều thẳng đứng. Đến đầu năm 2023 vẫn chưa thấy dấu hiệu phục hồi”, ông Nguyễn Thanh Lâm cho hay.
Ông Lâm chia sẻ, mặc dù những nguồn lực khác được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, nhiều cơ quan vẫn còn lúng túng trong việc tháo gỡ. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT đây cũng chính là một phần trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách hiện chưa kịp thời.
Những vấn đề vướng mắc như thuế, đặt hàng… sẽ được bộ tổng hợp và báo cáo với Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội.
“Thời gian tới, khi Thủ tướng ký chỉ thị về tăng cường công tác truyền thông chính sách, các địa phương sẽ bố trí nguồn lực cho truyền thông chính sách, trong đó có đặt hàng báo chí và truyền thông cơ sở. Trong năm nay, chắc chắn sẽ có kết quả”, ông Lâm nói.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hàng tháng, bộ sẽ có cuộc họp báo. Những cuộc họp đó sẽ mời các bộ, ngành liên quan cùng tháo gỡ các vướng mắc về kinh tế báo chí.