Bộ Tài chính được giao biên chế đông nhất trong 5 năm tới

Trong 101.546 tổng biên chế công chức giai đoạn 2022 - 2026 được Thủ tướng giao cho các bộ ngành, đơn vị, Bộ Tài chính đứng đầu với 63.494 biên chế, kế đến là Bộ Tư pháp với hơn 9.000.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký thay Thủ tướng Quyết định về việc phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập; biên chế đại diện Việt Nam ở nước ngoài; biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương giai đoạn 2022 - 2026.

Theo đó Thủ tướng quyết định, tổng biên chế công chức giai đoạn 2022 - 2026 của các cơ quan nói trên (không bao gồm biên chế Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) là 103.300 biên chế.

Biên chế của các bộ ngành

Cụ thể, các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập là 101.546 biên chế.

Trong đó, nhiều nhất là Bộ Tài chính được giao 63.494 biên chế, kế đến là Bộ Tư pháp có 9.095, Bộ Công Thương 6.128, Bộ KH-ĐT 5.791, Ngân hàng Nhà nước 4.922 biên chế...

Các bộ, ngành có trên 1.000 biên chế gồm: NN-PTNT, GTVT, Ngoại giao, TN-MT. Các bộ ngành còn lại (trừ tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập), Ủy ban Dân tộc có ít biên chế nhất với 231 người, kế đến là Bộ Xây dựng có 339 biên chế.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được giao 1.068 biên chế. Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương có 686 biên chế.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng bộ ngành, cơ quan, đơn vị nói trên.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ xây dựng đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 và hàng năm đến hết năm 2026; quyết định biên chế công chức theo thẩm quyền, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao và đúng chủ trương tinh giản biên chế.

Đây cũng là lần đầu tiên, việc giao biên chế công chức được tách bạch giữa khối Chính phủ và địa phương thực hiện theo Quyết định 71 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026.

Trước đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước, trong đó bao gồm cả biên chế của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Nay biên chế khối chính quyền địa phương Bộ Chính trị giao trực tiếp cho cấp ủy địa phương phê duyệt.