Bộ Nội vụ đề nghị nghiên cứu mở rộng mô hình không tổ chức HĐND ở quận, phường

Tại hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 vào ngày 30/11, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị đổi mới tổ chức và hoạt động, đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị.

Nghiên cứu mô hình tòa thị chính, thị trưởng

Cụ thể, Bộ Nội vụ đề nghị nghiên cứu mở rộng mô hình không tổ chức HĐND ở quận, phường (khu vực nội thành, nội thị) như đang thực hiện ở thành phố Đà Nẵng và TP.HCM và nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về mô hình “Tòa thị chính”, “Thị trưởng” ở đô thị cho phù hợp với đặc thù ở nước ta.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng gợi ý chuyển đổi cách tiếp cận quản lý nhà nước ở đô thị sang quản trị chính quyền đô thị, hướng đến sự tham gia và mở rộng đối thoại ngày càng nhiều của người dân với các công việc của chính quyền đô thị.

Đây cũng là cơ sở để xây dựng chính quyền đô thị phản ứng nhanh nhạy, hoạt động tốt hơn nhưng với chi phí ít hơn và chịu trách nhiệm giải trình trước người dân…

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà 

Đối với đơn vị hành chính tổ chức cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND), cần hoàn thiện nguyên tắc hoạt động theo chế độ tập thể UBND, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và của từng thành viên UBND. Đồng thời quy định cụ thể, rõ ràng các nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình giám sát của HĐND, các cơ quan của HĐND và đại biểu HĐND.

Đối với đơn vị hành chính không tổ chức HĐND, các thành viên UBND do Chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm, hoạt động theo chế độ công vụ của công chức, theo đó cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch UBND tại các đô thị.

Cùng với đó là đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến từng cấp chính quyền địa phương theo hướng đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động quản lý của từng cấp chính quyền, bảo đảm cho chính quyền đô thị quyền tự chủ về ngân sách, tổ chức bộ máy, quản lý dân cư, bảo vệ môi trường...

Bộ Nội vụ cũng đề nghị hoàn thiện thể chế về tuyển chọn cán bộ, công chức ở đô thị theo hướng đề cao trách nhiệm của người sử dụng, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh; đồng thời ban hành chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc tại đô thị.

Hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm để làm cơ sở cho việc tuyển chọn, bố trí, sắp xếp và đánh giá cán bộ, công chức công khai, minh bạch, công bằng, tạo động lực phấn đấu trong việc thực thi nhiệm vụ.

Hoàn thiện chính quyền đô thị 

Lãnh đạo TP.HCM cũng đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, phối hợp và phát huy nguồn lực đầu tư và phát triển đô thị.

Cụ thể là thực hiện đề án xây dựng chính quyền đô thị, chủ động nghiên cứu, đề xuất phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực và có cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư.

Cùng với đó là chủ động đề xuất điều chỉnh, bổ sung cập nhật những nội dung đặc thù của TP.HCM về quy chuẩn, tiêu chuẩn, các chỉ tiêu xây dựng với những khả năng vận dụng gắn với yêu cầu thực tế và đặc thù của Thành phố.

TP.HCM cũng đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nâng cao năng lực quản lý đô thị của chính quyền các cấp, thu hút nguồn lực quốc tế trong việc đầu tư hạ tầng đô thị với quan điểm học hỏi, nhận chuyển giao tích cực và từng bước làm chủ năng lực, công nghệ quản lý đô thị hiện đại…

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh 

Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần quan tâm hoàn thiện chính quyền đô thị song song với nâng cao hiệu quả quản lý đô thị. Từ đó phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị, chú trọng phát triển kinh tế đô thị trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 06 Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã nhấn mạnh yêu cầu “tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách riêng, có tính đặc thù đối với một số địa phương để làm căn cứ sớm hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị”.

Nghị quyết cũng yêu cầu cần “thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương”.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, việc nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập, thành lập mới đơn vị hành chính đô thị nhưng vẫn bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển cũng là những vấn đề mà chính quyền các cấp đang trăn trở.