Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện
Bệnh viện Bạch Mai kiệt quệ sau 2 năm tự chủ toàn diện
Thiếu thuốc giải độc ở Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế nói gì?
Bệnh viện Bạch Mai thiếu kháng sinh, thuốc tĩnh mạch vì không có nhà cung ứng
Trong buổi làm việc với Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan sáng 18/8, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất: "Dừng thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60 của Chính phủ ban hành năm 2021, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên, như vậy sẽ phù hợp với điều kiện thực tế của bệnh viện lúc này".
Ông Cơ cho biết, Bạch Mai là một trong bốn bệnh viện đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm tự chủ hoàn toàn. Bệnh viện bắt đầu triển khai từ đầu năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện tự chủ đúng vào lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh, bệnh viện nhiều lần bị phong tỏa, các hoạt động bị đóng băng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Điển hình, số lượng người bệnh đến khám thời gian qua giảm mạnh khiến nguồn thu sụt giảm 50%.
Thêm vào đó, bệnh viện đang thu giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế nhưng mức giá này đã lạc hậu, lỗi thời, thu không đủ bù chi. Còn giá khám chữa bệnh theo yêu cầu chưa có khung giá trần từ Bộ Y tế, do đó bệnh viện rất khó quyết định giá hợp lý. Mặt khác, khi thực hiện tự chủ, bệnh viện vẫn không giảm được tình trạng quá tải do số lượng người vượt tuyến điều trị lớn. Trong khi nhiều bệnh viện tuyến dưới không có bệnh nhân.
Ông Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai thông tin thêm: “Chúng tôi chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ. Như vậy không đủ điều kiện để đánh giá việc tự chủ này. 3 điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Bạch Mai chưa bao giờ được tự chủ, bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa”.
Tiếp nhận đề xuất, Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan yêu cầu bệnh viện cần báo cáo, phân tích cụ thể các vướng mắc khi thực hiện Nghị định 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60.
“Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để có định hướng trong quá trình triển khai thực hiện. Nếu chúng ta tháo gỡ được vướng mắc này - cùng với việc Chính phủ đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về văn bản pháp luật, sẽ đưa ra hành lang pháp lý giúp cho bệnh viện có định hướng thời gian tới tốt hơn”, người đứng đầu ngành Y tế khẳng định.
Thanh HảiBệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức và K là 4 đơn vị đầu tiên trong ngành Y tế thí điểm tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện từ năm 2019 đến nay.
Theo Nghị quyết 33, cơ chế tự chủ giúp các bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân... Nghị quyết cho phép các bệnh viện được xác định quỹ tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán, được quyền quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động. Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo khung giá do Bộ Y tế ban hành.
Tuy nhiên, sau hai năm triển khai, hiện chỉ còn Bệnh viện Bạch Mai và K còn thực hiện thí điểm tự chủ hoàn toàn (mức 1), hai bệnh viện còn lại đã xin rút về thực hiện tự chủ đảm bảo chi thường xuyên (mức 2).