Bác sĩ trăm công nghìn việc, lương chỉ 5 triệu khó nuôi dưỡng đam mê

Một bác sĩ mỗi ngày khám cho trăm bệnh nhân, khi dịch bệnh phải đảm nhiệm trăm công, nghìn việc nhưng lương tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng, thật khó để gồng gánh, nuôi dưỡng đam mê.

Nhiều đại biểu tiếp tục mổ xẻ câu chuyện bác sĩ, giáo viên nghỉ việc cùng với việc tăng lương, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước vào sáng 27/10.

Cải cách tiền lương mới là giải pháp dài hơn

ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho rằng, phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và công luận.

"Cử tri nhân dân và những người làm công ăn lương thấu hiểu gánh nặng ngân sách không thể gồng gánh khoản chi phí khổng lồ cho khoản tăng lương”, đại biểu chia sẻ.

Đại biểu tỉnh Bạc Liêu cho rằng, tăng lương cơ sở lần này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ, ước tính để tăng thêm 20,8% mức lương cơ sở, khoản chi mà Chính phủ phải cân đối dành tới 44.000 tỷ đồng. 

ĐB Nguyễn Huy Thái

“Việc điều chỉnh tăng mức lên cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách, đây là điều rất đáng trân trọng” ông Thái nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để cho niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn và để nhanh chóng bù đắp những trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp bấy lâu nay, đại biểu tỉnh Bạc Liêu kiến nghị thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng, từ  1/1/2023. 

“Chắc chắn rằng đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công ăn lương đã gần 3 năm qua gồng mình chống chọi và nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch”, đại biểu Thái gửi gắm.

Đặt vấn đề, lương cơ sở tăng có giữ chân được công chức, viên chức trong khu vực công hay không, ông Thái nói, nhiều ý kiến cho rằng tăng lương là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi. Vì vậy, cần sớm thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII. 

“Nếu năm 2023 phát triển KTXH tốt và tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như 3 năm vừa qua thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương”, đại biểu cho biết, đây là thông tin mà cử tri đang đặc biệt quan tâm.

Ông cho rằng, mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại nhưng về thực chất chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư.

Dẫn con số 2,5 năm qua đã có gần 40 nghìn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc; trong ngành giáo dục hơn 16.000 người, y tế là hơn 12.000 người, đại biểu Thái cho rằng đây là vấn đề rất đáng được quan tâm. 

"Trong xã hội Việt Nam không có nhiều nghề được xã hội gọi là thầy, vậy mà số lượng thầy giáo, thầy thuốc chuyển việc, nghỉ việc lại rất lớn. Ta thấy được điều gì?”, ông đặt vấn đề.

Theo đại biểu tỉnh Bạc Liêu, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ công chức viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư.

“Lương đủ sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị tiền lương mà họ được trả, và cử tri rất mong chờ điều đó được trả thông qua cải cách tiền lương”, đại biểu gửi gắm.

Hiện nay cử tri rất lo lắng khi lương chưa tăng, chỉ mới rục rịch tăng thì giá cả đã nhanh chân chạy trước rồi. Lương bổng luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với thị trường.

Khó nuôi dưỡng đam mê khi áp lực cao, thu nhập không đủ trang trải 

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy tán thành với nguyên nhân do lương thấp và cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng thôi việc ở khu vực công thời gian qua. Nhưng bên cạnh đó, còn có nhóm nguyên nhân quan trọng nữa liên quan đến áp lực công việc và môi trường công tác.

Nữ đại biểu dẫn chứng, hiện nay hầu hết các bệnh viện công đều trong tình trạng quá tải. Ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 người đến khám và có khoảng 4.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Nhiều bệnh viện, y bác sĩ phải có mặt từ 6h sáng để bắt đầu thăm khám.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy

“Mỗi ngày, mỗi bác sĩ có thể khám vài chục, thậm chí cả trăm bệnh nhân nên rất áp lực. Nhiều bác sĩ cho biết, do thường xuyên làm việc quá tải nên chỉ đủ sức quan tâm tìm hiểu căn bệnh chứ chưa phải người bệnh, trong khi đáng lẽ bác sĩ cần có thời gian để lắng nghe, tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng của từng bệnh nhân”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu thực tế.

Bà phân tích thêm, khi dịch bệnh ập đến, các y bác sĩ càng vất vả, trăm công nghìn việc từ lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 đến tiêm vắc xin, trong khi đó lương tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế, thiếu thốn điều kiện cần thiết để bảo đảm cho công tác khám chữa bệnh... ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của y bác sĩ.

“Vẫn biết rằng, việc chuyển dịch chuyển nhân lực là chuyện bình thường đối với bất cứ ngành nghề nào nhưng dịch chuyển nhân lực với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngành y tế trong thời gian vừa qua thì rất cần phải đánh giá đúng, đủ nguyên nhân và phải có giải pháp căn cơ, chiến lược”, đại biểu đề nghị.

Theo bà Thủy, ngành y là ngành đặc biệt, cần được đào tạo đặc biệt và sử dụng đãi ngộ đặc biệt. Và sẽ thật khó để gồng gánh, nuôi dưỡng đam mê khi áp lực công việc rất cao, nhưng thu nhập không đủ trang trải chi phí tối cần thiết của cuộc sống. Ngoài ra phải đối diện với rất nhiều áp lực khác trong môi trường công tác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tán thành với các địa biểu, cần cải thiện chế độ chính sách đối với nhân viên ngành y phù hợp với đặc thù công việc.

Bà cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp cải thiện môi trường làm việc của ngành Y; có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh nền công nghiệp dược và sản xuất vắc xin để chúng ta chủ động nguồn lực ngay từ trong nước, không phải lệ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay. 

“Đây cần coi là giải pháp căn cơ chiến lược, vì nếu chậm trễ việc này, khi sự cố dịch bệnh xảy ra, trước hết là tổn thất người, sau đó là tốn kém tiền của nhập khẩu và cuối cùng có thể lại thêm một vụ Việt Á mới”, đại biểu cảnh báo.

Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đánh giá rất cao nỗ lực của ngành giáo dục và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên nói chung và gần như kỳ họp nào của Quốc hội cũng thảo luận các chế độ, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên.

Đại biểu cho rằng, giáo viên rời khu vực công sang tư là bình thường. Ảnh: Hoàng Hà

Theo ông Giang, với đội ngũ hùng hậu hơn 1,2 triệu giáo viên trên tổng số hơn 1,7 biên chế viên chức cả nước, trong 2,5 năm qua có hơn 14.000 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông rời khỏi khu vực công. Điều này đặt ra vấn đề cần đánh giá thực chất để có giải pháp phù hợp.

“Chúng ta đang thực hiện khuyến khích xã hội hóa trong ngành giáo dục, tình trạng giáo viên rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư là bình thường. Điều quan trọng nhất phải đánh giá những người bỏ nghề có tiếp tục làm giáo viên hay không”, đại biểu Giang nói.