'Thợ săn' cả đêm lấy thân mình làm mồi câu muỗi

Lấy mình làm mồi nhử, ngồi im cho muỗi đốt để bắt muỗi Anopheles, chuyện tưởng đùa nhưng là công việc thường xuyên của nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM.

Hơn chục năm công tác tại Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), anh Trần Đăng Khoa không nhớ hết những lần đi săn muỗi cùng đồng nghiệp.

Vén quần, anh Khoa chỉ vào những vết muỗi đốt chi chít ở chân. Anh chia sẻ, việc ngồi im trong tối, làm mồi nhử cho muỗi tới đốt cũng có "thú vui". Muỗi đậu lên chân thì nhiều, nhưng bắt được muỗi Anopheles mang về là chuyện không dễ.

Ngồi im làm mồi nhử

16h30, xe chở nhóm bắt muỗi xuất phát từ trung tâm TP.HCM. Địa điểm đến bắt muỗi lần này là xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Khoảng hơn 18h, cả đội có mặt tại trạm y tế xã Lý Nhơn, hoàn tất các thủ tục trước khi di chuyển về phía bìa rừng phòng hộ Cần Giờ.

Vừa đi, anh Khoa vừa trò chuyện về công việc săn muỗi. Theo anh, việc bắt muỗi tại các địa điểm đã từng phát hiện dịch sốt rét để phân tích, đánh giá, phục vụ cho công tác phòng chống sốt rét hàng năm.

Đây là công việc thường xuyên, thầm lặng của các nhân viên HCDC mà ít người biết đến. Nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì rất dễ lây truyền bệnh sốt rét do bị muỗi Anopheles đốt.

Xắn quần áo lên, một phần chân tay để lộ ra ngoài với những vết muỗi đốt chồng lên nhau, anh Khoa nói: “Ai cũng có thể làm mồi để muỗi đốt, vì ai muỗi cũng thích đốt mà, nhưng cũng có những hôm… ế muỗi, hôm sau phải đi bắt cho đủ số lượng”.

Theo kinh nghiệm của những "thợ” săn muỗi lành nghề, 20h là thời điểm muỗi Anopheles hoạt động mạnh nhất. Vì vậy, họ luôn căn thời gian hợp lý để bắt muỗi bằng phương pháp “mồi người”. Dụng cụ bắt muỗi rất đơn giản, ống nghiệm nhét bông gòn, máy hút muỗi, đèn pin… và “mồi người”.

Di chuyển khoảng 30 phút, cả đội đến căn chòi nhỏ ngay bìa rừng phòng hộ. Căn chòi này ban ngày bán nước cho khách qua đường, đêm đến là chỗ dừng chân của đội HCDC để thực hiện phương pháp dùng người làm mồi nhử muỗi.

Tới nơi, chị Nguyễn Khánh Linh và Trần Thúy Loan - nhân viên Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính HCDC vào việc.

Họ ngồi im lặng, mỗi người ở một góc, nơi ngược gió, xắn quần và áo lên, một phần chân tay để lộ ra ngoài và chờ muỗi tới đốt.

5 phút, 10 phút trôi qua, muỗi đậu lên chân thì nhiều, nhưng không đúng chủng loại yêu cầu. Ngoài muỗi Anopheles, nhiều loại muỗi khác cũng đều bị thu hút bởi “mồi người”.

Khoảng 20 phút sau, cả đội bắt được con muỗi Anopheles đầu tiên.