Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic 2024

Chiếc huy chương bạc thế giới môn boxing của Nguyễn Thị Tâm và tấm huy chương vàng xe đạp đường trường nữ châu Á của cua-rơ Nguyễn Thị Thật là tiền đề để thể thao Việt Nam hy vọng đến Olympic 2024.

Tham dự Giải Vô địch xe đạp đường trường châu Á 2023 tại Thái Lan, ngày 12-6 vừa qua cua-rơ Nguyễn Thị Thật đã cán đích trước tiên ở nội dung đường trường 109 km nữ. Đây cũng là nội dung mà cô giành huy chương vàng (HCV) tại SEA Games 32 vừa kết thúc hồi tháng trước tại Campuchia.

Suất chính thức đầu tiên

Vinh dự hơn cả kỳ tích 3 lần giành ngôi quán quân châu lục (2018, 2022, 2023), thành tích thi đấu tại Thái Lan còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Nguyễn Thị Thật bởi nhiều khả năng danh hiệu vô địch châu Á lần này sẽ là bệ phóng đưa nữ cua-rơ 30 tuổi quê An Giang lần đầu tiên đến với đấu trường lớn Olympic. Chỉ trừ khi có những thay đổi trên bảng xếp hạng các quốc gia do Liên đoàn Xe đạp quốc tế (UCI) công bố vào trung tuần tháng 10 tới, hoặc có một nữ cua-rơ Việt Nam khác xếp nhất, nhì tại Giải Vô địch thế giới diễn ra vào tháng 8 tại Scotland, Nguyễn Thị Thật sẽ khó đến Paris 2024. Dù vậy, những dự báo này không dễ xảy ra.

Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic 2024 - Ảnh 2.

Cua-rơ Nguyễn Thị Thật (thứ 2 từ phải sang) chờ tin vui chính thức từ Liên đoàn Xe đạp quốc tế

Olympic 2024 giành 90 suất chính thức cho nội dung xe đạp đường trường nữ, trong đó chủ nhà Pháp nghiễm nhiên được trao 2 suất. 80 suất sẽ căn cứ vào bảng thứ bậc theo quốc gia do UCI công bố, theo đó, mỗi quốc gia từ thứ nhất đến thứ năm được cử tối đa 4 vận động viên (VĐV), từ hạng sáu đến mười cử tối đa 3 VĐV. Mỗi quốc gia từ hạng 11 đến 20 có tối đa 2 VĐV, từ hạng 21 đến 45 tối đa 1 VĐV.

Tám suất còn lại được lựa chọn thông qua Giải Vô địch thế giới 2023, 3 giải vô địch châu lục 2023 tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Quốc gia có VĐV về nhất và nhì mỗi giải sẽ được cử tối đa 1 VĐV nhưng những quốc gia này phải thuộc nhóm không đủ tiêu chuẩn thông qua bảng thứ hạng quốc gia của UCI. Riêng giải châu lục, quốc gia không được nằm trong nhóm đạt chuẩn ở giải vô địch thế giới.

Có thể nói, Nguyễn Thị Thật gần như đã là VĐV Việt Nam đầu tiên giành quyền tham dự Olympic 2024 bằng suất chính thức. Giấc mơ mang tên Olympic Vinh dự này suýt thuộc về nữ võ sĩ Nguyễn Thị Tâm khi cô giành HCB hạng 48-50 kg tại Giải Vô địch quyền Anh nữ thế giới hồi đầu năm 2023. Liên đoàn Boxing thế giới muốn thành tích của giải này được công nhận và VĐV được trao suất tham dự Olympic nhưng Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) không đồng ý. Nếu giữ vững phong độ, Nguyễn Thị Tâm có thể lặp lại kỳ tích ấy hoặc hơn thế nữa ở kỳ ASIAD 2023 tại Hàng Châu - Trung Quốc vào tháng 9 tới. Một số môn nằm trong chương trình thi đấu của đại hội thể thao này được IOC công nhận và trao suất dự Olympic 2024 theo các tiêu chí được đặt ra. Ngoài boxing, một số môn trọng điểm như điền kinh và bơi cũng có cơ hội tương tự. Bốn năm trước, thể thao Việt Nam (TTVN) có suất Olympic đầu tiên dự Olympic Tokyo 2020 từ môn bắn cung. Giờ đây, tất cả đều ngóng chờ kỳ tích chính thức từ nữ cua-rơ Nguyễn Thị Thật, tạo tiền đề cho những giấc mơ mang tên Olympic sau 1 năm nữa.

Sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp thành công ở cấp độ khu vực, mục tiêu quan trọng hàng đầu của TTVN hiện nhắm đến việc giành suất chính thức dự đấu trường lớn nhất hành tinh từ các môn trọng điểm như bắn súng, bơi, điền kinh, cử tạ, TDDC, bắn cung và xe đạp.

TTVN từng được cử 18 tuyển thủ của các môn bắn cung, điền kinh, cầu lông, boxing, TDDC, judo, rowing, bắn súng, bơi, taekwondo, cử tạ tham dự Olympic Tokyo 2020, bằng suất chính thức và cả suất đặc cách. Vì thế, trong khoảng thời gian hơn một năm tới, TTVN phải bảo đảm tối thiểu 18 suất đến Paris 2024 và nhiều hơn nữa, phụ thuộc vào quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành cũng như của từng VĐV.

Theo Người lao động