Laptop 2022 mạnh hơn, giá rẻ hơn
Từ nửa cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, các hãng sản xuất laptop có thị phần lớn trên thế giới như Asus, HP... đã tung ra nhiều dòng sản phẩm tích hợp công nghệ màn hình, tấm nền mới, độ tươi và giá cả rẻ hơn để cạnh tranh.
Nâng cấp màn hình OLED
Trong thời gian TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trường học chuyển sang làm việc online, dẫn đến tình trạng khan hiếm laptop. Hiện nay, laptop không còn thiếu mà được bày bán tại các kênh bán lẻ với nhiều mẫu mã và giá cả cạnh tranh. Mỗi nhà sản xuất đều có các "chiêu" riêng và chương trình hậu mãi đi kèm để thu hút khách hàng.
Đáng chú ý, laptop 2022 đã được các nhà sản xuất chú trọng cải tiến màn hình OLED. Từ năm 2020 trở về trước, laptop màn hình OLED chỉ dành cho phân khúc cao cấp (giá từ 25 triệu đồng trở lên). Đến nay, nhiều dòng laptop tầm trung đã được trang bị màn hình OLED như Asus Vivobook Pro 14 (hiện có giá 18,7 triệu đồng), Asus VivoBook A515EA (18,2 triệu đồng)...
Khách hàng trải nghiệm những dòng laptop có cấu hình mạnh tại một sự kiện
Ông Lê Minh Ty, chuyên viên sản phẩm laptop của Asus Việt Nam, cho biết màn hình OLED có những ưu điểm: góc nhìn rộng hơn so với các loại tấm nền trước đó, độ phủ DCI-P3 cho màu sắc rực rỡ, độ tương phản cao giúp hình ảnh sắc nét, khả năng tái tạo màu sắc hấp dẫn, hạn chế ánh sáng xanh để bảo vệ mắt, tiết kiệm điện năng nên kéo dài thời lượng sử dụng pin… Màn hình OLED không cần hệ thống đèn chiếu sáng nên vóc dáng laptop sẽ mỏng, nhẹ và sang trọng hơn. Điều mà nhiều người tiêu dùng quan tâm là độ bền của màn hình OLED và chính sách bảo hành của các nhà sản xuất đối với công nghệ màn hình cao cấp này.
Ngoài màn hình, các nhà sản xuất laptop còn chạy đua về tần số quét. Dell và HP đã ra mắt những dòng laptop có tần số quét từ 120 Hz (như mẫu Dell Inspiron 15 3525) đến 144 Hz - cao nhất hiện nay (mẫu HP Victus 16). Theo một nhà bán lẻ, việc nâng tần số quét màn hình lên là do những hãng này còn xài tấm nền IPS. Trong khi đó, do dùng màn hình OLED nên tần số quét màn hình của laptop Asus cao nhất chỉ 90 Hz.
Một công nghệ giá trị liên quan màn hình là độ phân giải. Trong năm 2022, nhiều hãng sản xuất laptop đã có các sản phẩm với độ phân giải lên tới 2.8K, như dòng Yoga Slim 7 của Lenovo hoặc ZenBook 14X Space Edition, Zenbook 14 Flip… của Asus. Về độ phân giải màn hình nâng từ 2K lên 2.8K, hiện chưa có lời giải thích thỏa đáng về công nghệ cũng như mắt thường khó phân biệt về chất lượng hình ảnh của 2 mức độ này.
Cấu hình hybrid tiết kiệm điện Nhiều dòng laptop xuất xưởng trong năm 2022 sử dụng bộ xử lý core i thế hệ 12 của Intel hoặc AMD Ryzen 6000 series, chạy trên nền hệ điều hành Windows 11. Đây là những giá trị công nghệ mới về cấu hình.
Ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc ngành hàng laptop của FPT Shop, nhận xét: "Ngoài những yếu tố công nghệ về màn hình, điểm nhấn mới của laptop năm nay là thiết bị chạy mượt mà và nhanh, nhờ bộ xử lý thế hệ mới. Tùy theo sở thích mà người dùng có thể chọn Intel hoặc AMD".
Bộ xử lý core i thế hệ 12 chuẩn Evo của Intel đã có mặt ở các dòng laptop cao cấp của nhiều hãng như Asus, HP, Dell, Lenovo… với nhiều phiên bản, từ i3 cho đến i9, qua các kiến trúc H (hiệu suất cao), P (hiệu suất trung bình) hoặc U (tiết kiệm điện) và những bộ xử lý "lai" giữa các dòng. Theo các chuyên gia, không chỉ mạnh về xử lý, core i 12 thế hệ chuẩn Evo từ 6 lõi - 8 luồng cho đến 14 lõi - 20 luồng còn linh hoạt ở "kiến trúc hybrid" mới khi lai nhiều kiến trúc khác nhau, giữa dòng H và dòng P để tạo ra những bộ xử lý mới tiết kiệm điện và công suất xử lý tùy theo nhu cầu công việc.
Ông Hoàng Văn Dũng cho biết khi người dùng thao tác đồ họa hay chơi game mạnh, bộ xử lý của laptop sẽ kích hoạt vai trò của dòng H. Còn khi máy xử lý những công việc nhẹ như các tác vụ văn phòng, dòng P sẽ tự động "gánh vác" trách nhiệm.
Trên thị trường, Asus vừa tung ra loạt laptop chạy bộ xử lý core i thế hệ 12 như Zenbook 14, Zenbook 14X Space Edition, Zenbook 14 Flip…; Dell có dòng XPS 15 9520; MSI có Creator 16, Z16P; Acer có Nitro 5 Tiger… Những dòng máy chạy bộ xử lý core i thế hệ 12 hiện có giá thấp nhất là 25 triệu đồng. Trong khi đó, bộ xử lý của hãng AMD hiện có mặt trên nhiều dòng laptop văn phòng, laptop gaming.
"Năm 2022, AMD giới thiệu bộ xử lý mạnh nhất là Ryzen 6000 series trên các dòng laptop chuyên về thiết kế đồ họa, đặc biệt là chơi game, với khả năng xử lý nhanh hơn 1,3 lần, thời lượng pin lên đến 24 giờ" - đại diện AMD Việt Nam tiết lộ vào đầu tháng 6 vừa qua tại sự kiện "Rise Up: For Those Who Dare" của Asus. AMD Ryzen 6000 series có 6 - 8 nhân/12 - 16 luồng. Bộ xử lý này đã có trên nhiều dòng laptop như TUF Gaming A15 và A17 của Asus, Thinkpad Z13 và Z16 của Lenovo…
Ông Hoàng Văn Dũng cho rằng khi laptop có mức giá bình quân giảm 15% - 25% so với năm ngoái và dồi dào sản phẩm, khách hàng sẽ chú trọng những loại đẹp và mạnh. Tuy nhiên, những dòng laptop này có giá khá đắt đỏ, thấp nhất là 25 triệu đồng, còn cao thì lên tới 100 - 110 triệu đồng.
Ổ cứng SSD PCIe đạt dung lượng 1 TB
Laptop 2022 còn tích hợp những công nghệ mới như: chuẩn Dolby Atmos, âm thanh Hi-Res, khử tiếng ồn 2 chiều AI Noise Cancellation, RAM DDR5, tỉ lệ màn hình 16:10, đáp ứng 100% phổ màu DCI-P3, độ sáng lên tới 550 nit, dung lượng pin có thể duy trì hoạt động của máy từ 9 - 24 giờ, tùy mức độ sử dụng của người dùng... Đặc biệt, ổ cứng chuẩn SSD PCIe trên các dòng máy cao cấp đã đạt dung lượng 1 TB.
Theo Người lao động