Cuối tuần này Việt Nam đón mưa sao băng lớn nhất năm

Mưa sao băng Perseids sẽ xuất hiện vào cuối tuần này với đỉnh điểm rơi vào nửa đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13/8.

Đêm nay (12/8), người yêu thiên văn tại Việt Nam sẽ có dịp chứng kiến mưa sao băng Perseids. Vị trí xuất hiện nằm ở khu vực chòm sao Anh Tiên (tên Latinh là Perseus).

Perseids là trận mưa sao băng liên hoàn liên quan đến sao chổi Swift – Tuttlepresent. Lần cuối sao chổi này tới gần Mặt Trời và cắt qua quỹ đạo của Trái Đất là năm 1992 và lần tiếp theo sẽ là năm 2026.

Đây là đợt mưa sao băng thường xuất hiện vào từ giữa tháng 7 hàng năm và đạt cực điểm vào khoảng giữa tháng 8. Tên gọi của nó có nguồn gốc từ người anh hùng Persues trong thần thoại Hy Lạp. 

Mưa sao băng Persieds được ghi lại trên bầu trời Luzern (Thụy Sĩ) vào năm 2020. (Ảnh: Orest Shvadchak)

Năm nay, mưa sao băng Perseids sẽ có thể quan sát tốt vào khoảng thời gian lân cận cực điểm, kéo dài từ 12-14/8. Trong đó, cực điểm rơi vào đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13/8/2022. 

Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát mưa sao băng là sau 2h sáng. Đây là lúc Mặt Trăng đã sắp lặn còn chòm sao Perseus lên đủ cao. Để ngắm mưa sao băng, người xem không cần sử dụng thiết bị thiên văn đắt tiền mà có thể quan sát trực tiếp bằng mắt thường. 

Người yêu thiên văn có thể quan sát đợt mưa sao băng này bằng cách nhìn về phía chòm sao Perseus. Đơn giản nhất là nhìn lên bầu trời hướng Đông Bắc, với góc nhìn 30 đến 50 độ tính từ mặt đất. Tư thế nằm và ngồi sẽ thích hợp nhất để quan sát mưa sao băng Perseids.

Thời tiết thuận lợi là điều kiện quan trọng nhất để ngắm mưa sao băng. Tuy vậy, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong đêm nay và ngày mai, bầu trời trên khắp cả nước sẽ có nhiều mây, với mưa rào và dông rải rác.

Người yêu thiên văn trong nước khó có thể quan sát mưa sao băng vào đêm nay do ảnh hưởng của thời tiết. Nhưng khoảng thời gian lân cận cực điểm sẽ kéo dài suốt cuối tuần này. Nếu may mắn, tại Việt Nam vẫn có thể quan sát mưa sao băng ở một vài nơi. 

Trọng Đạt