Bí ẩn về Tam giác Bermuda đã được giải mã: Có hiện tượng siêu nhiên nào ở đây không?
Tam giác Bermuda có lẽ là một trong những địa điểm được nói đến nhiều nhất trên thế giới, thường gắn với những niềm tin siêu nhiên, thậm chí mê tín.
Nơi đây cũng được gọi với cái tên đáng sợ là “Tam giác Quỷ”, là khu vực giữa Florida (Mỹ), Puerto Rico và Bermuda. Diện tích vùng đại dương này là khoảng 700.000 km2, nổi tiếng vì đã khiến rất nhiều máy bay và tàu thuyền biến mất bí ẩn khi đi qua đây. Có vô số lời đồn thổi về khu vực này, bao gồm cả chuyện có một “lực hút siêu nhiên” hoặc người ngoài hành tinh bắt người Trái Đất đi để nghiên cứu. Teen mình hẳn cũng quen thuộc với "truyền thuyết" về Bermuda khi bộ truyện tranh nổi tiếng Doraemon cũng có tập truyện lấy bối cảnh ở khu vực này.
Tuy nhiên, những nhà khoa học và những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nhất về Tam giác Bermuda lại nghĩ khác.
Tam giác Bermuda. Ảnh: PeterHermesFurian/ Getty.
Michael C. Barnette, một thợ lặn và cũng là một nhà sinh vật biển, đã dành nhiều năm để lặn khám phá các tàu đắm quanh vùng nước bí ẩn này, mới đưa ra lời giải thích trong phim tài liệu Tam giác Bermuda: Đi vào vùng nước bị nguyền rủa, chiếu vào ngày 14/11 trên kênh lịch sử và khoa học History Channel của Mỹ.
Theo Barnette, những con tàu bị đắm ở vùng nước này thường không hề còn nguyên vẹn “như người ta vẫn tưởng tượng về các con tàu ma”, và ông cho rằng, điều đó chứng tỏ có sự tác động mạnh của những yếu tố tự nhiên như nước đại dương, nhiệt độ, các dòng chảy…, chứ không phải chỉ bị “lực hút siêu nhiên” hút xuống.
Những con tàu đắm thật sự trông khác với những gì người ta đưa lên phim ảnh. Ảnh: Stephen Frink/ Getty.
Karl Kruszelnicki, một nhà khoa học người Úc, cũng đồng ý với Barnette khi khẳng định phần lớn các vụ tàu bè hoặc máy bay biến mất ở Tam giác Bermuda là có lý do đơn giản và khoa học, chủ yếu là “sai lầm của con người và thời tiết xấu”.
Ông Kruszelnicki nói: “Tam giác Bermuda ở gần xích đạo, cũng gần khu vực giàu có của thế giới là châu Mỹ, nên giao thông rất đông đúc. Theo công ty bảo hiểm lớn Lloyd’s của London (Anh) và lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Mỹ, thì tỷ lệ phần trăm tàu biến mất ở Tam giác Bermuda cũng tương tự như ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Nhưng vì có nhiều tàu bè đi qua khu vực Tam giác Bermuda hơn nên con số tàu gặp nạn mới nhiều hơn”.
Hình ảnh minh họa cho sự nguy hiểm của khu vực Tam giác Bermuda. Ảnh: VICTOR HABBICK VISIONS/ Getty.
Thế còn vụ việc “Chuyến bay 19” nổi tiếng thì sao?
Ngày 5/12/1945, Chuyến bay 19 - phi đội gồm 5 máy bay đang trong quá trình bay huấn luyện - cất cánh từ Florida (Mỹ). Đội bay này có tổng cộng 14 người, đều là những phi công Hải quân giàu kinh nghiệm. Trong khi họ bay qua Đại Tây Dương, tất cả tín hiệu kết nối từ căn cứ với đội bay này đều mất. Khó tin hơn nữa là sau đó, đội bay cứu hộ gồm 13 người đến khu vực này tìm kiếm thì cũng biến mất luôn, không còn dấu vết.
Ông Kruszelnicki giải thích, lý do gây ra những tai nạn trên là khá đơn giản: Lúc ấy thời tiết không tốt, sóng cao 15 mét và phi công đã mắc lỗi (không chuyển hướng mà tiếp tục bay sâu vào “vùng chết chóc” - dựa trên những tín hiệu cuối cùng).
Một số nghiên cứu khác cũng đi đến kết luận như trên, đều cho rằng những vụ tai nạn ở Tam giác Bermuda phần lớn là do biển động, thời tiết khắc nghiệt.