Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về đổi mới sách giáo khoa

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại phiên họp 25, dự kiến khai mạc đầu tuần tới.

Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa cho con tại nhà sách Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa cho con tại nhà sách Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh

Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

Dự kiến phiên họp giám sát này sẽ diễn ra ngay trong buổi chiều 14.8 (ngày dự kiến khai mạc phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Phiên giám sát dự kiến được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Đây là một trong hai chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023, ngoài hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội.  

Đoàn giám sát này do Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh là phó trưởng đoàn thường trực.

Trước đó, báo cáo của đoàn giám sát cho rằng việc ban hành chương trình đã chậm tiến độ hai năm nhưng vẫn chưa đầy đủ chương trình môn học theo đúng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Trong khi đó, việc thực nghiệm, đánh giá tác động đối với những nội dung đổi mới quan trọng của chương trình chưa được chú trọng, thực hiện trong thời gian ngắn, phạm vi hẹp.

Quy định về môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới và một số sai sót trong nội dung sách giáo khoa lịch sử gây bức xúc trong nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học. Có ý kiến cho rằng cần xác định trách nhiệm thẩm định chương trình, sách giáo khoa môn học này để xử lý nghiêm túc.

Đoàn giám sát cũng cho rằng có một số nội dung chưa được triển khai như việc tổ chức tập huấn cho người biên soạn chương trình, tổ chức thực nghiệm chương trình. 

Một số vấn đề đoàn giám sát yêu cầu Chính phủ cần làm rõ hơn như kết quả thực hiện mục tiêu giảm tải ở giai đoạn giáo dục cơ bản, việc xác định các tổ hợp ở cấp THPT, các khó khăn trong việc biên soạn nội dung, bố trí chương trình, đánh giá kết quả của chương trình giáo dục địa phương…

Chiết khấu đối với sách giáo khoa, sách tham khảo hiện nay quá cao

Về vấn đề biên soạn sách giáo khoa theo hướng xã hội hóa, đoàn giám sát ghi nhận các sách giáo khoa được phê duyệt về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Nhưng có một số vấn đề đề nghị Chính phủ phải đánh giá bổ sung.

Trong đó là đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng chiết khấu trong chi phí phát hành sách giáo khoa lên giá sách hiện nay. Vì mức chiết khấu đối với sách giáo khoa, sách tham khảo hiện nay quá cao.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ đánh giá về việc tiếp tục giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; đánh giá chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa; việc áp dụng nhiều sách giáo khoa khác nhau cho từng môn học ở một cơ sở giáo dục có thực sự cần thiết không. 

Ngoài ra xem xét tính cần thiết trong sửa đổi quy định để thống nhất việc lựa chọn sách giáo khoa, hướng tới để quyền lựa chọn sách giáo khoa của học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Báo cáo giám sát cũng đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương...

Từ thực tế giám sát, báo cáo của đoàn giám sát nhắc lại tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên. Một số địa phương thiếu giáo viên nhưng không tuyển được, trong khi một bộ phận giáo viên bỏ nghề, chuyển khỏi ngành.

Nguyên nhân chủ yếu do việc xác định định mức giáo viên chưa phù hợp. Chế độ lương, phụ cấp của giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên mới rất thấp, không tương xứng với cường độ lao động, áp lực trong công việc. Việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. 

Theo Tuổi trẻ