Tuyển sinh đại học 2023: Nhiều ngành học mới theo nhu cầu xã hội
Năm nay, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ ổn định các phương thức xét tuyển như những năm trước để tuyển hơn 8.200 chỉ tiêu cho 51 chương trình đào tạo hệ đại học chính quy tại hai cơ sở. Đáng chú ý, năm nay trường có 5 chương trình đào tạo mới gắn liền với kỷ nguyên số: Công nghệ tài chính (Fintech); Marketing công nghệ (Martech); Kinh doanh số (Digital business); Robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI); Công nghệ logistics (Logtech).
Theo lãnh đạo nhà trường, với định hướng tiên phong đổi mới, đón đầu các xu thế phát triển của kỷ nguyên số, các chương trình đào tạo tại trường được thiết kế cải tiến theo hướng đa ngành, xuyên ngành, có tính quốc tế và gắn với công nghệ. Mặt khác, các sản phẩm đào tạo tiếp tục được phát triển theo hướng tối ưu giúp người học “nhận 2 bằng cử nhân với 4,5 năm học” khi lựa chọn các chương trình học song ngành tích hợp, song chuyên ngành sau khi hoàn tất năm nhất.
Năm 2023, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển gần 5.000 chỉ tiêu cho 22 ngành đào tạo với 4 phương thức xét tuyển. Năm nay trường sẽ mở thêm 4 ngành mới, gồm ngành Công nghệ tài chính, Thương mại điện tử, Luật và Khoa học dữ liệu.
Thạc sỹ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm cho biết, việc lựa chọn mở thêm các ngành mới để kịp thời đáp ứng nhu cầu nhân lực trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên mở ngành, trường chỉ tuyển 60 chỉ tiêu mỗi ngành để đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các ngành học mới mở này đều rất “hot”. Bên cạnh việc có rất nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường, sinh viên học ngành này cũng gặp thách thức khi phải cạnh tranh gay gắt trong thị trường lao động. Bởi, đặc thù các ngành nghề lĩnh vực này là luôn luôn thay đổi, nhân lực phải cập nhật thường xuyên kiến thức, công nghệ mới có thể làm tốt công việc.
Năm 2023, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh có 59 ngành đào tạo với khoảng 9.900 chỉ tiêu. Năm nay, trường có 4 ngành mới, gồm Công nghệ ô tô điện, Bất động sản, Luật thương mại quốc tế, Quản lý thể dục thể thao. Nhà trường tiếp tục duy trì 4 phương thức xét tuyển để tuyển đầu vào như nhiều năm gần đây. Trong đó, hai phương thức xét tuyển học bạ, trường đang nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 đến ngày 31/3.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đây đều là những ngành có nhu cầu nhân lực cao và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, mang đến cơ hội và triển vọng cho các bạn trẻ yêu thích những lĩnh vực này. Trong đó, Công nghệ ô tô điện trước đây là một chuyên ngành của ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, được tách ra thành một ngành mới độc lập nhằm đón đầu xu hướng phát triển ngày càng mạnh của ô tô điện trong tương lai. Luật thương mại quốc tế rất cần thiết trong nền kinh tế hội nhập, khi hoạt động giao thương diễn ra liên tục và đa dạng; còn ngành Quản lý thể dục thể thao phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội, nền kinh tế khi nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe, thể thao tăng cao…
Các chuyên gia cho rằng, thị trường lao động đang phát triển với rất nhiều ngành nghề mới ra đời, do đó, giáo dục đào tạo cũng cần xây dựng, hoàn chỉnh các ngành đào tạo mới theo hướng công nghệ số và tích hợp. Vì thế, việc các trường đại học mở thêm ngành học mới là phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các trường phải đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu và tiêu chí theo quy định, nhất là về cơ sở vật chất, đội ngũ và phù hợp với nhu cầu xã hội, tránh tình trạng các trường ồ ạt mở ngành mới, ngành "hot" để thu hút thí sinh.
Dù có nhiều lựa chọn khi mùa tuyển sinh đại học năm nay tiếp tục “nở rộ” các ngành học mới, nhưng các chuyên gia cũng lưu ý thí sinh cân nhắc để chọn được ngành phù hợp với năng lực bản thân. Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực và thị trường lao động, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thời gian tới, thị trường lao động tiếp tục phát triển theo hướng cần nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng yếu sẽ rất vất vả để cạnh tranh trong thị trường lao động, thậm chí sẽ bị đào thải. Vì thế, khi lựa chọn ngành học, các em cần cân nhắc yếu tố phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân để có thể học tập, rèn luyện tốt về kiến thức, các kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Nếu chọn ngành chỉ dựa trên số đông, chạy theo ngành này “hot”, trường “top”, các em sẽ rất khó phát huy được năng lực của mình.
Theo TTXVN