Trượt lớp 10 công lập, "cửa" vẫn rộng

Số lượng thí sinh thi vào lớp 10 quá đông, điểm chuẩn nhiều trường cao, nhiều em không đủ điểm vào trường công lập. Tuy nhiên, các em vẫn có thể theo học hệ 9+ ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề.

Nhiều thí sinh có điểm thi cao nhưng vẫn trượt trường THPT công lập (ảnh minh họa)

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023, rất nhiều thí sinh có điểm khá cao nhưng vẫn trượt cả nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 vào trường THPT công lập. "Cánh cửa" trường công lập đóng lại với nhiều thí sinh Em Đ.Q.T. ở TP Hải Dương được 30,2 điểm. Số điểm này thấp nên em trượt cả nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Du và nguyện vọng 2 vào Trường THPT Nguyễn Văn Cừ. Chị N.T.P., mẹ em T. tỏ ra hơi buồn vì con không đủ điểm vào trường công lập. Chị P. đã kịp thời đăng ký cho con vào Trường THPT Marie Curie (TP Hải Dương). "Học ở trường này học phí cao gấp nhiều lần so với trường công lập nhưng gia đình vẫn chấp nhận. Không đăng ký nhanh hoặc số điểm không đạt chắc con tôi cũng không vào được trường này", chị P. nói.  Thí sinh thi vào trường chuyên cũng không ngoại lệ. Em N.N.M. ở TP Hải Dương được 30,9 điểm, đã trượt nguyện vọng vào Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, đồng thời trượt cả nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Du và nguyện vọng 2 vào Trường THPT Nguyễn Văn Cừ. Em đã chọn đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT Thành Đông (TP Hải Dương). Không chỉ ở thành phố, tình trạng này cũng xảy ra nhiều ở vùng nông thôn. Một trường THCS ở Gia Lộc có gần 100 học sinh tham dự kỳ thi lớp 10 THPT vừa qua. Phần lớn các em dự thi vào Trường THPT Đoàn Thượng, còn lại là Trường THPT Thanh Miện. Đại diện trường này cho biết nhiều em điểm từ 30 trở lên nhưng vẫn trượt cả 2 nguyện vọng. Có 2 em được 30,8 điểm, thiếu 0,1 điểm để đỗ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Đoàn Thượng. Đa số các em nguyện vọng 2 vào Trường THPT Thanh Miện III nhưng chỉ có 2 em đỗ. Việc nhiều học sinh trượt trường công lập là điều dễ hiểu vì năm nay số lượng thí sinh dự thi tăng. Mặt khác, phổ điểm năm nay cũng cao hơn nên điểm chuẩn hầu hết các trường THPT đều tăng. Nhiều trường tuyến huyện có điểm chuẩn nguyện vọng 1 và 2 đều tăng. Số lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng trong khi chỉ tiêu vào các trường công lập vẫn giữ nguyên cũng là nguyên nhân khiến nhiều em không có cơ hội vào lớp 10 THPT công lập. Nhiều em phải chọn vào THPT ngoài công lập hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên. Toàn tỉnh có hơn 29.200 học sinh lớp 9, trong đó có 28.985 em đã tốt nghiệp THCS. Gần 21.400 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi các trường THPT công lập được giao 15.156 chỉ tiêu. Các trường THPT ngoài công lập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên cấp huyện và Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Ngoại ngữ, Tin học tỉnh được giao 9.630 chỉ tiêu.  Ở một số huyện, dù trường THPT ngoài công lập và trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên đã được giao tăng chỉ tiêu so với năm học trước nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh. "Cánh cửa" khác mở ra Những học sinh không có cơ hội theo học các trường THPT công lập, ngoài công lập và trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên có thể theo học hệ 9+ ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong tỉnh. Toàn tỉnh có 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có thể đáp ứng khoảng 7.500 học sinh học hệ 9+, vừa học văn hóa vừa học nghề. Giá trị bằng tốt nghiệp THPT của học sinh hệ 9+ tương đương các trường THPT khác. Tuy nhiên, một số hiệu trưởng trường THCS thẳng thắn cho biết không phải gia đình nào cũng cho con đi học hệ 9+. Nguyên nhân do ở tuyến huyện khoảng cách đi học các trường nghề khá xa. Hơn nữa các em mới 15 tuổi, gia đình sẽ lo lắng khi không kiểm soát được con. Vì vậy, có gia đình đã chấp nhận cho con đi làm công ty mà không bị kiểm soát theo quy định của pháp luật. Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều trường THPT công lập trong tỉnh vẫn có thể mở rộng quy mô và đáp ứng được nếu giao tăng chỉ tiêu vào lớp 10. Ví dụ 1 trường THPT công lập ở thị xã Kinh Môn, nếu được giao thêm chỉ tiêu vẫn có thể tiếp nhận được thêm 1 lớp10, tương đương 45 học sinh. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng bài toán để học sinh sau THCS viết tiếp "ước mơ" theo học lớp 10 THPT chỉ còn cách tăng chỉ tiêu cho các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, mở rộng quy mô các trường THPT ngoài công lập.  Nhưng thực tế việc tăng chỉ tiêu rất khó triển khai do hằng năm phải thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS. Mặt khác, tăng chỉ tiêu phải tăng biên chế giáo viên kéo theo tăng ngân sách... Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần rà soát kỹ lưỡng và kết hợp dự báo xu hướng tăng dân số để có giải pháp, lộ trình dài hơi, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, quy mô trường lớp và nguồn nhân lực.

NAM PHƯƠNG

Kết thúc thời gian đăng ký xét tuyển trực tuyến vào lớp 10 ngoài công lập Hết ngày 30.6, các thí sinh đã hoàn thành đăng ký xét tuyển trực tuyến vào các trường THPT ngoài công lập và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có số lượng cụ thể thí sinh đăng ký xét tuyển. Sở đang thực hiện quy trình lọc ảo để loại các thí sinh đã đỗ nguyện vọng vào các trường THPT công lập.  2022-2023 là năm học đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đăng ký xét tuyển lớp 10 THPT các trường THPT ngoài công lập và trung tâm GDNN-GDTX bằng hình thức trực tuyến. Những thí sinh có nguyện vọng nhưng không đăng ký xét tuyển trên hệ thống của sở sẽ không được xét tuyển. Mỗi thí sinh đăng ký tối đa 2 nguyện vọng vào các trường THPT ngoài công lập và trung tâm GDNN - GDTX (các nguyện vọng không phân biệt trường THPT với trung tâm GDNN-GDTX). Thí sinh đã được xác nhận trúng tuyển nguyện vọng 1 không được tham gia xét tuyển nguyện vọng 2. Từ ngày 6-14.7, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1. Ngày 15.7 công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Trước ngày 1.8 sẽ thực hiện xét tuyển bổ sung đợt 2. PV