Trưởng thành từ câu lạc bộ trường học
Thời gian qua, các câu lạc bộ trường học đã trở thành sân chơi bổ ích giúp nhiều học sinh thỏa đam mê, trau dồi nhiều kỹ năng, là hành trang quý báu giúp trưởng thành hơn trong tương lai.
Với các kinh nghiệm hoạt động từ câu lạc bộ trường học, anh Phạm Vĩnh Tiến luôn tự tin khi tham gia tác nghiệp tại Canada
Bên cạnh những giờ học căng thẳng, câu lạc bộ (CLB) trường học còn là sân chơi bổ ích giúp học sinh tự tin khám phá bản thân và rèn luyện kỹ năng sống.
Thỏa đam mê
Viết bài, lấy tin, chụp ảnh, làm người dẫn chương trình (MC) cho các hoạt động của trường là công việc mà các thành viên CLB Truyền thông Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (có tên viết tắt là NMC) đã thực hiện trong suốt 9 năm qua.
Các thành viên Câu lạc bộ Truyền thông Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi tham gia tác nghiệp trong một sự kiện của trường
Hiện CLB có 62 thành viên hoạt động ở 4 ban chuyên môn: nội dung, thông tin truyền thông, kỹ thuật và phát thanh. Bất cứ khi nào nhà trường có sự kiện, các thành viên lại đi chụp ảnh, lấy tin, viết bài như một phóng viên. Sau đó thông tin sẽ được đăng tải trên website chuyennguyentrai.edu.vn và fanpage Nguyễn Trãi Channel. Ngoài ra, các thành viên luôn sáng tạo những bài viết thú vị, phù hợp xu hướng giới trẻ đăng tải trên fanpage, thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi và hàng trăm lượt thích, bình luận. Sau 9 năm đi vào hoạt động, đến nay CLB Truyền thông Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đã 2 lần được Thành đoàn Hải Dương tặng giấy khen.
Em Hoàng Phương Dung, học sinh lớp 11 văn ứng tuyển tham gia CLB từ những ngày đầu mới vào trường cũng bởi yêu thích công việc truyền thông. Xuất phát từ ban nội dung, là cây bút chủ lực chuyên viết các tin tức của trường, đến nay Dung đã trở thành Chủ nhiệm CLB. “NMC dạy em kỹ năng về chuyên môn như đi lấy tin, viết tản văn, phỏng vấn và rèn kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, kiểm soát cảm xúc, đặc biệt nhất là quản lý thời gian, do bọn em phải cân bằng việc học và hoạt động CLB”, Dung nói.
Thời gian đồng hành cùng NMC đã nung nấu niềm đam mê với truyền thông trong Dung cũng như các bạn. Vì vậy, em có nguyện vọng vào ngành quản trị marketing ở một trường quốc tế trong nước và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Định hướng theo ngành học truyền thông cũng là lựa chọn của gần 70% số thành viên CLB khi được hỏi.
Nâng cao kỹ năng mềm
Anh Phạm Vĩnh Tiến, từng là chủ nhiệm CLB Truyền thông Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, hiện theo học ngành quan hệ công chúng tại Đại học Mount Saint Vincent (Canada) đã áp dụng tốt những kinh nghiệm từ CLB vào học tập và công việc tại Canada. Làm truyền thông từ những ngày học cấp 3 giúp anh hình thành tư duy quản lý hình ảnh chiến lược cũng như sự nhạy bén trong nắm bắt xu hướng để xây dựng các nội dung sáng tạo, đổi mới và đạt hiệu quả cao. Với vị trí hiện tại là thực tập sinh truyền thông cho Chính phủ bang Nova Scotia, anh Tiến đã khéo léo lồng ghép các xu hướng hiện hành cùng những thông điệp từ Chính phủ để làm mới cách thức đưa tin trên kênh TikTok Chính phủ bang. Nhờ đó, anh đã đưa kênh TikTok tăng gấp đôi lượng người theo dõi sau hai tuần làm việc.
Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 Lương Thị Hoa Đan cũng từng là Phó Chủ nhiệm Ban phát thanh thuộc thế hệ đầu tiên của CLB Truyền thông Trường THPT Nam Sách. Những hoạt động truyền thông, quản lý fanpage ở CLB là hành trang quý báu giúp chị trưởng thành hơn trên môi trường đại học, đặc biệt là khi chị tham gia cuộc thi hoa hậu. Á hậu Hoa Đan chia sẻ: “Ở cuộc thi, chúng mình phải ở chung, tập luyện cùng nhau. Nhờ tham gia CLB hồi học cấp 3 mà mình đã biết cách quản lý thời gian, sắp xếp công việc, làm việc nhóm, năng động hơn, biết cách tự truyền thông, xây dựng hình ảnh cá nhân trước và sau đăng quang”.
Bên cạnh CLB truyền thông, một số CLB khác ở Trường THPT Nam Sách cũng đang hoạt động hiệu quả như CLB Văn nghệ, CLB Sáng tác thơ, văn... Thầy Vũ Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng nhà trường đánh giá: “Bên cạnh việc học thì học sinh cũng bộc lộ những năng khiếu khác nhau. Khoảng 10 năm nay, nhà trường duy trì và phát triển các CLB. Mỗi CLB được thành lập đều có quyết định của nhà trường và sẽ được tạo điều kiện hoạt động. Học sinh khi tham gia CLB sẽ được phát triển các kỹ năng, sở trường của bản thân".
Còn trong các hoạt động của Đoàn, CLB Tuổi trẻ THPT Thanh Hà luôn xung kích, đi đầu trong các hoạt động như hỗ trợ tiếp sức mùa thi, hiến máu tình nguyện, phân luồng giao thông, dọn dẹp nghĩa trang, phục vụ những ngày lễ lớn… Góp sức từ những công việc nhỏ nhất giúp các thành viên dần trưởng thành, nhiệt huyết hơn trong các hoạt động vì cộng đồng.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Tuổi trẻ THPT Thanh Hà với Đoàn trường
Chị Lê Thị Tố Trinh, hiện là lớp trưởng lớp Troy BA19A, ngành quản trị kinh doanh liên kết Hoa Kỳ, Viện Kinh tế quản lý (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng từng trưởng thành từ CLB Tuổi trẻ THPT Thanh Hà. Với những kinh nghiệm có sẵn trước đó, quá trình tham gia hoạt động Đoàn, Hội của chị Trinh càng thuận lợi hơn. Chị đã nhận được rất nhiều giấy khen từ Đoàn, Hội nhà trường. Hiện tại, chị làm thêm tại một công ty xuất nhập khẩu. Với thế mạnh là sự tự tin, kỹ năng giao tiếp đã được rèn luyện, chị nhanh chóng hòa đồng vào môi trường tập thể, luôn đứng lên đưa ra những kế hoạch hợp lý và khuấy động bầu không khí.
Trong những năm gần đây, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh rất quan tâm tới công tác phát triển toàn diện học sinh, đặc biệt là giáo dục hiện đại chú trọng phát triển kỹ năng. Kể từ năm 2015 đến nay, số lượng và chất lượng hoạt động CLB ở các trường THPT tăng rất nhanh. Đến nay Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi có 16 CLB, Trường THPT Nam Sách có 10 CLB, Trường THPT Thanh Hà có 6 CLB...
Không chỉ riêng Vĩnh Tiến, Hoa Đan hay Tố Trinh, rất nhiều học sinh khác đã được trưởng thành từ các CLB trường học. Tham gia hoạt động CLB giúp các em học sinh nâng cao kỹ năng mềm như xây dựng và tổ chức hoạt động, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, sắp xếp quản lý công việc… Mỗi kỹ năng sẽ là hành trang quý báu cho các em trong tương lai.
LINH LINH