Trung Quốc và Mỹ khơi mào cuộc chiến cáp biển

Từ vật liệu bán dẫn, chiến thanh thương mại Mỹ - Trung đang dần chuyển sang mục tiêu tiếp theo là cáp biển. Tại đây, Washington đang tìm cách đảm bảo các nhà đầu tư và nhà thầu Trung Quốc không dính dáng tới việc xây dựng các tuyến cáp biển mới.

Chú thích ảnh

Cáp ngầm biển là mục tiêu tranh chấp tiếp theo trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Shutterstock

Trước khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố thêm một loạt rào cản thương mại nhắm vào việc xuất khẩu chip bán dẫn đến Trung Quốc vào giữa năm 2022, công ty cáp ngầm biển SubCom của Mỹ đã giành được gói thầu cho dự án cáp quang  Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu 6 (SeaMeWe-6).

Gần đây, SubCom gần đây bắt đầu lắp đặt tuyến cáp Singapore-Pháp và hé lộ chi tiết về việc Huawei Technologies, công ty cơ sở hạ tầng viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, đã thất bại trong cuộc đấu thầu tuyến cáp kết nối Singapore với Pháp này.

Tuyến cáp biển SeaMeWe-6 kết nối Singapore với thành phố Marseille (Pháp), đi qua địa phận các quốc gia Malaysia, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives, Ấn Độ, Pakistan, Djibouti, Saudi Arabia, Ai Cập, Hy Lạp và Italy. Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành vào quý I.2025.

Theo một bài viết đăng trên Reuters ngày 24.3, công ty HMN Technologies (trước đây được biết đến với cái tên Huawei Marine Networks) đã được chọn làm nhà thầu chính cho dự án SeaMeWe-6 với tổng trị giá 500 triệu USD – chỉ bằng 1/3 chi phí được SubCom đề xuất.

Tuy nhiên, do chính phủ Mỹ can thiệp, Huawei đã phải từ bỏ dự án. Bộ Thương mại Mỹ đã gây sức ép lên các nhà đầu tư chọn SubCom. Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) cũng đã tài trợ nguồn quỹ đào tạo trị giá 3,8 triệu USD về cáp biển cho 5 công ty viễn thông tại Pháp và Singapore. 

Tháng 2.2021, SubCom đã hạ giá thầu xuống còn 600 triệu USD, trong khi HMN giảm còn 475 triệu USD.

Cuối năm 2021,  một giám đốc điều hành tại SingTel, kiểm chủ tịch ủy ban đại diện các nhà đầu tư, đã kêu gọi bầu chọn nhà thầu.

Các nhà đầu tư Trung Quốc bao gồm China Telecom và China Mobile, nắm giữ 20% cổ phần dự án, đã không thể thay đổi quyết định chọn SubCom của các thành viên khác, bất chấp việc hai nhà đầu tư này đe dọa rời bỏ dự án. 

Ngày 21.2.2022, SubCom công bố giành được dự án lắp đặt 19.200 km cáp ngầm biển. Hai nhà đầu tư Trung Quốc đã quyết định rút khỏi dự án và sau đó được thay thế bởi Telekom Malaysia Berhad và PT Telekomunikasi Indonesia International. Duy chỉ có công ty China Unicom vẫn tham gia dự án.

Trong 4 năm qua, Mỹ đã can dự vào 6 dự án cáp ngầm tư nhân trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kêu gọi các nhà đầu tư tẩy chay các nhà thầu Trung Quốc hoặc nhờ các tập đoàn công nghệ Mỹ chuyển hướng các đoạn cáp biển từ Hong Kong (Trung Quốc) sang Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).

Tháng 4.2020, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp thành lập một ủy ban liên ngành mang tên Team Telecom với mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công mạng và gián điệp nhắm vào hệ thống mạng viễn thông của Mỹ.

Kể từ đó, 4 tuyến cáp giữa Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc) đã được yêu cầu chuyển hướng các thiết bị đầu cuối của họ từ khu vực hành chính đặc biệt đến những khu vực khác bao gồm Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore. Các công ty Mỹ như Google và Meta cũng đã tham gia vào dự án này.

Francis Fong, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị Tương tác Hong Kong, cho biết, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều tuyến cáp kết nối giữa các khu vực, Hong Kong sẽ dần mất đi sức hút đối với các công ty công nghệ nước ngoài do tốc độ Internet chậm.

Tuy nhiên, ông Fong chỉ ra rằng chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu lắp đặt nhiều tuyến cáp ngầm hơn trong những năm gần đây nhằm giảm sự lệ thuộc vào các tổ chức nước ngoài. Bắc Kinh cũng đã xây dựng thêm nhiều tuyến cáp kết nối với các nước BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi).

Tháng 11.2022, Singtel – một trong những tập đoàn viễn thông lớn tại Singapore – hợp tác với 5 công ty viễn thông khác đã ký kết hợp đồng trị giá 300 triệu USD xây dựng hệ thống Cáp Liên kết Châu Á (ALC) dài 6.000 km kết nối các khu vực Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Philippines, Brunei và tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). Dự án dự kiến hoàn thành vào quý III.2025.

Theo Bill Chang, Giám đốc điều hành mảng Kinh doanh Trung tâm Dữ liệu Khu vực và Tập đoàn Doanh Nghiệp của Singtel, “Tuyến cáp ALC sẽ mang lại chất lượng đường truyền tốt hơn để giúp các ngành công nghiệp chuyển đổi, mở ra nhiều cơ hội đổi mới cũng như nâng cao hơn nữa trải nghiệm kỹ thuật số của người tiêu dùng Đông Nam Á và góp phần vào sức tăng trưởng của khu vực”.

Theo Báo Tin tức