Thầy giáo thương binh và những trang nhật ký chiến trường

Xếp bút nghiên, tạm biệt học trò và phấn trắng, bảng đen, năm 1968, thầy giáo Đinh Đức Lâm (tức Đinh Văn Sai), sinh năm 1945 ở thôn Quan Lộc, xã Tiên Động (Tứ Kỳ) vào bộ đội khi chiến trường B đang đặc quánh mùi khói bom, thuốc súng.

Thầy giáo Đinh Đức Lâm

Bị thương rồi trở lại quê hương tiếp tục nghề dạy học, hành trang ông mang về không chỉ là những khúc tráng ca bất tử của một thế hệ anh hùng mà còn có một cuốn nhật ký với nhiều câu chuyện thấm đẫm tình đồng chí khi còn ở chiến trường. Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng Cuốn nhật ký chiến trường của ông ban đầu được mang tên "Nhật ký tuổi trẻ Đinh Đức Lâm" nhưng khi được chuyển thể thành sách đã có tên "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng". Cuốn sách do nhà văn Đặng Vương Hưng biên soạn và giới thiệu. "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng là tác phẩm đầu tiên của Tủ sách Mãi mãi tuổi 20. Hơn 50 năm trước, khi viết những dòng nhật ký ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, thầy giáo trẻ Đinh Đức Lâm không thể ngờ được những trang sổ tay đã cũ nát với những dòng chữ đã nhòe mờ sau nửa thế kỷ lại đã trở thành tài sản tinh thần của con cháu ông và sẽ là di sản cho cả cộng đồng và xã hội", nhà văn Đặng Vương Hưng viết. Có thể nói, đây là một trong số ít những cuốn nhật ký chiến trường chứa đựng nhiều thông tin quý và được chuyển thể thành sách. Cuốn nhật ký chiến trường ấy được ông ghi chép từ ngày 21.7.1969 và khép lại trang viết cuối cùng ngày 3.3.1973. Sau khi được chuyển thể thành sách, cuốn nhật ký được trao tặng cho một đơn vị tại Hà Nội để phục vụ công tác trưng bày. Còn sách được chia thành 12 phần nhỏ, trong đó có những phần gây xúc động mạnh với người đọc như: Những đêm cõng bạn lạc rừng, Những ngày nằm Viện K24 miền Đông Nam Bộ hay Những cuộc gặp gỡ bất ngờ với bạn học cũ, thầy và trò... Thầy giáo Đinh Đức Lâm mồ côi cha từ khi chưa ra đời, người mẹ của ông tần tảo sớm hôm nuôi ông cùng 1 người anh trai và 1 người chị gái. Là con út trong gia đình nghèo túng ở một vùng quê khó khăn, trong nhà chỉ có ông được đi học đến hết cấp2 rồi được cử đi học Trường Trung cấp Sư phạm tại Kẻ Sặt (Bình Giang). Tốt nghiệp, ông được điều về dạy tại Trường Phổ thông cấp 2 Thanh Hồng của huyện Thanh Hà. Giai đoạn đó, đế quốc Mỹ bắt đầu đưa quân đổ bộ miền Nam. Dù người anh trai đã vào bộ đội năm 1965 và đi B năm sau đó, nhưng ông vẫn tạm biệt mẹ, chào chị gái lên đường đánh giặc. Nhật ký chép, sau 5 tháng đi bộ vượt Trường Sơn hùng vĩ, vòng qua 2 nước bạn Lào và Campuchia thì ông cùng đồng đội vào đến B2 (chiến trường miền Đông Nam Bộ). Họ được biên chế vào đơn vị C10 E59C, Sư đoàn 9, có mật danh "Công Trường 9" - một trong những sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam. Vừa đặt chân đến B2, người thầy giáo trẻ cùng đồng đội đã lập tức tham gia 5 cuộc chiến đấu sống còn. Với ông, một người từ đồng bằng Bắc Bộ vào, vốn chỉ quen với trường lớp, nay cầm súng chiến đấu với các đội quân chủ lực của Mỹ và chính quyền Sài Gòn là một thử thách không hề nhỏ. Nhưng ông cùng các đồng đội - những người cũng từ miền xa đến, chỉ với vũ khí thô sơ và một trái tim dũng mãnh không hề nao núng trước kẻ thù. Đêm 21.7.1969, sau một trận đánh phối hợp với đơn vị bạn, ông Lâm bị lạc rừng và phát hiện chiến sĩ Lê Văn Thụ quê ở Thái Bình cũng đang bị lạc. Nhưng gay go nhất là ông Thụ bị bắn gãy chân. Ông Lâm cõng đồng đội và tìm cách vượt vòng vây trở về đơn vị. Nhưng họ bị lạc suốt 3 đêm trong rừng đầy rẫy thám báo Mỹ, ổ phục kích và thú dữ... Đó chính là những xúc cảm để sau này cuốn sách có tên "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng". "Trên đường tìm về đơn vị, may mắn thay gặp được thêm đồng đội. Về đến đơn vị, trông thấy thủ trưởng Tiểu đoàn và quân y sĩ, biết mình được cứu sống, Thụ ứa lệ nhìn tôi gọi "Anh Lâm", ôm cổ tôi kéo xuống rồi xin tôi địa chỉ ở quê. Tôi báo cáo thủ trưởng để trở về Đại đội 10. Tôi xa Thụ từ đó và sau này có nghe tin Thụ đã được ra Bắc hồi tháng 12 năm 1969", ông Lâm viết trong nhật ký. Thế nhưng, theo những thông tin của nhà văn Đặng Vương Hưng, qua nhiều nguồn thông tin được biết, ông Lê Văn Thụ đã hy sinh trong một trận đánh ngày 8.11.1970 tại mặt trận phía Nam, hiện gia đình chưa tìm thấy hài cốt. "Một liệt sĩ sống lại"

Cuốn sách "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng", chuyển thể từ cuốn "Nhật ký tuổi trẻ Đinh Đức Lâm"

" Ngày 29 tháng 3 năm 1970 Hành quân thâu đêm suốt sáng, tôi đã đến cứ dự bị. Chỗ tạm dừng quân này cách chốt địch không xa. Một ngày trôi qua, bấy giờ khoảng bốn giờ ba mươi phút chiều, lại có lệnh hành quân. Chỉ còn mấy giờ nữa thôi là đến giờ nổ súng... Đúng là ta đã được sống những giờ phút oanh liệt nhất của lịch sử. Đêm nay, ta lại vào trận và ta sẽ giáp mặt sống mái với quân thù, một sống hai chết. Nếu có chết cũng không uổng. Rất có thể sau trận này ta sẽ không được trở lại đơn vị nữa (có nghĩa là bị hy sinh)... Đã đến giờ nổ súng, sau phát súng lớn ấy là liên tục các cỡ pháo mặt đất của ta: cối 120, cối 82, cối 81, ĐB20... tới tấp bắn vào đồn địch... Đồn giặc đã trở thành đống tro tàn... Có lệnh rút quân. Tôi đang nấp bên một gốc cây to thì một quả cối nổ ngay bên cạnh. Tự nhiên tay trái bị tê dại, đau nhói không cầm được súng nữa, một mảnh cối lớn phá nát cánh tay trái..." Đó là câu chuyện về trận công đồn năm 1970 khiến ông bị thương mất 45% sức khỏe, được ghi trong nhật ký. Như đã nói ở trên, ông Lâm có người anh trai cả là Đinh Đắc Khâm vào lính năm 1965. Sau này vào B, ông Lâm có qua Tây Ninh, Bình Phước, nơi anh trai đóng quân tìm, nhưng chiến trường mênh mông, rừng thiêng nước độc biết đâu mà tìm. Ông Lâm coi đó là chuyện thường tình của chiến tranh, dù buồn lắm, chỉ mong sao 2 anh em lành lặn trở về với mái tranh nghèo nơi mẹ già đang đợi. Cuối năm 1971, ông ra Bắc và trở về quê nhà Tiên Động dạy học thì cuối năm 1972, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Hưng khi đó có giấy báo tử liệt sĩ Đinh Đắc Khâm. Và chính quyền địa phương khi đó đã trang trọng làm lễ truy điệu "liệt sĩ Khâm". Cuốn "Nhật ký tuổi trẻ Đinh Đức Lâm" khép lại ở trang cuối cùng ngày 3.3.1973. Và thật lạ kỳ, đó cũng chính là ngày gia đình nhận được thông tin ông Đinh Đắc Khâm không hy sinh. Sự thật là ông Khâm bị thương trong một trận chiến rồi bị bắt làm tù binh. Ông Khâm bị địch giam giữ 2.049 ngày, mà phần lớn ở Trại tù binh Phú Quốc. Đầu năm 1973, tù binh Đinh Đắc Khâm được phía chính quyền Sài Gòn trao trả theo Hiệp định Paris. Hiện nay, ông Khâm vẫn còn khỏe mạnh. Năm 2020, khi cuốn sách "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" được chuyển thể từ "Nhật ký tuổi trẻ Đinh Đức Lâm", tự truyện "Một liệt sĩ sống lại" của ông Khâm được dành một phần trang trọng. Phần giới thiệu về "liệt sĩ Đinh Đắc Khâm" đã cho thấy ông có một cuộc đời chinh chiến gian lao và anh dũng không kém người em trai Đinh Đức Lâm của mình. Bạn đọc sẽ rất bất ngờ khi biết tác giả cuốn tự truyện này chưa hề đến trường. Năm 12 tuổi ông mới đi học mót ở nhà một người hàng xóm tốt bụng. Khi vào bộ đội, ông khai văn hóa lớp 4 vì tự thấy mình đã biết đọc, biết viết. Mà kỳ lạ nữa là chữ ông Khâm rất đẹp, chuẩn ngữ pháp. Năm 1973 khi được trao trả tù binh, ông Khâm không biết mình đã là "liệt sĩ". Ông viết: Thu xưa Ất Tỵ (1965) con đi/ Xuân nay Quý Sửu (1973) con thì về đây/Báo tin bà biết, mẹ hay/ Em mừng, con cũng bõ ngày ngóng mong... Gần kết thúc một câu chuyện dài với vị thầy giáo già đáng kính Đinh Đức Lâm, ông không quên nhắc đến công lao của người vợ tảo tần - bà Đinh Thị Xắn của mình. Khi ông còn công tác, nhiều năm làm hiệu phó, rồi hiệu trưởng, nhưng đồng lương ít ỏi, nhất là thời bao cấp, một tay bà đồng áng, chạy chợ chăm chồng để ông yên tâm công tác và 3 con có điều kiện học hành. Cả 3 người con của ông bà (lần lượt sinh các năm 1974, 1976, 1980) đều tốt nghiệp đại học chính quy, đang công tác tại Hà Nội - một điều rất hiếm ở vùng quê Tiên Động nghèo khó khi trước. "Mỗi khi đọc từng trang nhật ký của bố, chúng con luôn xúc động, vinh dự và tự hào. Chúng con cảm ơn bố và những đồng đội của bố đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đã đổ bao mồ hôi, máu, nước mắt và hy sinh cả tính mạng của mình để thế hệ chúng con, những người trẻ Việt Nam đầy tự hào khi có được tự do, độc lập và hạnh phúc như ngày hôm nay", thạc sĩ kinh tế Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty CP MISA, con gái ông Đinh Đức Lâm viết về bố!

TIẾN HUY