Tết an toàn trên không gian mạng
Để có một cái Tết an toàn trên không gian mạng, bên cạnh việc nâng cao cảnh giác, chủ động kiểm soát, các tổ chức, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức cho nhân viên, người dân về khả năng tự vệ, miễn dịch trước những thông tin độc hại.
Giảm hơn 50% website cơ quan nhà nước bị chèn quảng cáo cờ bạc
TP. Tây Ninh: Nâng cao kỹ năng, kiến thức phòng, chống ma tuý, bạo lực học đường và các hình thức lừa đảo trên không gian mạng cho giáo viên và học sinh
Làm rõ nghi vấn rao bán dữ liệu người dùng từ website về giáo dục
Bảo đảm an toàn trong các giao dịch, nhất là kênh thanh toán điện tử là một trong những ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng. Trong ảnh: BIDV Hải Dương thực hiện quét kiểm tra an toàn hệ thống
Chỉ 10 ngày nữa là đến Tết Quý Mão 2023, người dân đang phấn khởi mua sắm, trang hoàng nhà cửa, từng ngày mong chờ đón chào năm mới. Đây cũng là thời điểm gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ lừa đảo, tấn công mạng.
Nguy cơ gia tăng các vụ lừa đảo, tấn công mạng
Ít ngày trước, để rảnh tay dọn dẹp, trang trí nhà cửa chuẩn bị đón Tết, chị Bùi Thị Mơ (ở xã Hưng Long, Ninh Giang) đã đưa điện thoại thông minh cho con gái 6 tuổi xem chương trình thiếu nhi trên YouTube. Bất chợt, chị nhìn điện thoại thấy con mình đang truy cập website nào đó. Kiểm tra lại mới tá hỏa nhận ra đây là trang web lừa đảo.
Hóa ra khi đang xem YouTube, điện thoại của chị Mơ nhận được tin nhắn lạ, cháu bé còn nhỏ nên đã tò mò nhấn vào đường link trong tin nhắn, thế là hàng loạt website bật lên. “Tôi không rành lắm về internet, nhưng tôi hiểu rằng những website này có thể chứa nhiều mã độc lấy cắp thông tin, nhất là thông tin tài khoản, mật khẩu ngân hàng. Cũng may tôi kịp phát hiện ra để xóa đi”, chị Mơ chia sẻ.
Trong hàng trăm lượt ứng cứu sự cố máy tính của khách hàng, anh Nguyễn Văn Nam, nhân viên kỹ thuật của Công ty CP Dịch vụ đầu tư công nghệ Phương Linh (phường Trần Phú, TP Hải Dương) nhớ nhất một trường hợp khiến anh và đồng nghiệp gần như bất lực. Đầu tháng 12.2022, một máy tính của khách hàng là doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp sự cố, dữ liệu bị mã hóa không thể sử dụng. Xác định máy tính đã bị nhiễm virus mã hóa dữ liệu, anh Nam và đồng nghiệp đã thực hiện nhiều bước nhằm phong tỏa, ngăn virus lây lan qua hệ thống máy tính còn lại, đồng thời khôi phục an toàn cho chiếc máy tính bị nhiễm virus. “Nhiều khả năng chiếc máy tính đó bị lây lan virus thông qua USB. Toàn bộ dữ liệu trong chiếc máy tính đó không thể khôi phục, rất may những dữ liệu đó không quá quan trọng, nếu không thiệt hại chắc chắn sẽ rất lớn”, anh Nam kể.
Theo thống kê từ Công ty CP Bkav (Bkav), năm 2022, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam hơn 21 nghìn tỷ đồng. Một số điểm nóng về tội phạm mạng được Bkav chỉ ra như mã độc đánh cắp tài khoản đã có thể xuyên thủng cơ chế bảo mật 2 lớp, số lượng máy tính nhiễm mã độc APT (tấn công có chủ đích) ở mức cao, mã độc tống tiền (ransomware) chuyển hướng tấn công sang máy chủ, lừa đảo tài chính online gia tăng… Tại Hải Dương, mỗi năm Sở Thông tin và Truyền thông nhận được hàng trăm lượt cảnh báo lỗ hổng bảo mật của hệ điều hành Windows từ Cục An toàn thông tin và Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Bộ phận công nghệ thông tin Công ty TNHH May xuất khẩu SSV thiết lập lịch kiểm soát từ xa, bảo đảm an toàn dữ liệu
Chủ động kiểm soát, nâng cao cảnh giác
Tại Công ty TNHH May xuất khẩu SSV ở cụm công nghiệp Hoàng Diệu (Gia Lộc), trong khi hầu hết các bộ phận, phòng, ban đang tất bật với những đơn hàng cũng như tổng kết số liệu kinh doanh năm vừa qua thì Phòng Công nghệ thông tin lại bận rộn với một nhiệm vụ quan trọng khác. Ông Đào Văn Toản, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin nhận định Tết là thời điểm rất dễ bị tấn công trên không gian mạng. Việc bảo vệ an toàn dữ liệu hệ thống máy tính của doanh nghiệp cũng vì thế nặng nề hơn thường nhật.
"Số liệu tổng hợp cả một năm sản xuất, kinh doanh, vừa gửi lãnh đạo công ty mẹ bên Hàn Quốc, vừa để xây dựng kế hoạch cho năm mới. Lượng dữ liệu khổng lồ từ 2 máy chủ cùng hệ thống 120 máy tính của chúng tôi nếu xảy ra sự cố thì hậu quả rất lớn. Gần 10 nhân sự công nghệ thông tin chúng tôi đã rà soát, quét virus cũng như cập nhật phần mềm, nền tảng quản lý, báo cáo sản lượng. Dịp nghỉ Tết, một số máy tính vẫn hoạt động, ngoài sự hỗ trợ từ công ty mẹ, chúng tôi cũng bố trí lịch kiểm soát từ xa 24/24 giờ để bảo đảm an toàn”, ông Toản cho biết.
Lơ là cảnh giác khiến người dân dễ bị tấn công từ tội phạm mạng. Trong ảnh: Một kiểu tin nhắn lừa đảo đưa nạn nhân đến website giả mạo ngân hàng
Đối với ngân hàng, lĩnh vực nhạy cảm, dễ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng, sự chủ động, nâng cao cảnh giác được đặt lên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh các kênh giao dịch trực tuyến, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hải Dương, đầu tháng 12.2022, hệ thống 2 máy chủ chính, 2 máy chủ dự phòng cùng hàng trăm máy tính cá nhân đã được rà soát sự cố và thực hiện bảo trì.
Ông Nguyễn Huy Quyết, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin BIDV Hải Dương chia sẻ: “Ngoài những phần việc như cập nhật chính sách bảo mật cho nền tảng quản lý điều hành chi nhánh, chúng tôi đã quét kiểm tra sự cố toàn hệ thống, từ nền tảng mã hóa dữ liệu, xác thực trong giao dịch điện tử đến các máy tính, đường truyền từ chi nhánh đến phòng giao dịch các huyện, đến hệ thống ATM cũng như đường truyền từ chi nhánh đến hội sở chính. Bởi một phút lơ là có thể tạo một nguy cơ bị tấn công mạng”.
Trong năm 2023, theo dự báo của Bkav, lừa đảo qua hình thức gửi tin nhắn, gọi điện tiếp tục phổ biến khi hacker có thể kiếm tiền dễ dàng với các phi vụ lên tới hàng tỷ đồng. Ông Phạm Thành Trung Hiếu, Trưởng Phòng An ninh mạng (Bkav) cho biết: “Năm qua, nhiều cơ quan, doanh nghiệp kêu cứu nhưng không thể khắc phục do chưa thực hiện sao lưu dự phòng dữ liệu hoặc không cài phần mềm chủ động bảo vệ trước các cuộc tấn công. Nguồn lợi tài chính hấp dẫn làm gia tăng các cuộc tấn công bằng mã hóa tống tiền cũng như tấn công có chủ đích, nhất là trong dịp Tết, thời điểm người dùng rất dễ mất cảnh giác”.
Bên cạnh sự chủ động, nâng cao cảnh giác, các tổ chức, doanh nghiệp cần có giải pháp nâng cao nhận thức cho nhân viên, người dân về an toàn thông tin, nâng cao khả năng nhận biết, tiếp nhận thông tin, khả năng tự vệ, miễn dịch trước những thông tin độc hại.
HÀ KIÊN