Sửa quy định học phí, nhưng không được làm giảm cơ hội vào đại học của người nghèo học giỏi

Nghiên cứu lộ trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ với bậc đại học, nhưng không làm giảm cơ hội vào đại học đối với học sinh nghèo học giỏi...

Thí sinh đóng tiền học phí khi làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh năm 2022

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành liên quan về vấn đề học phí và sách giáo khoa cho năm học mới.

Đảm bảo đủ sách giáo khoa cho năm học mới, sửa quy định học phí

Với vấn đề sách giáo khoa cho năm học mới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng được phụ huynh, học sinh, các nhà trường và xã hội hết sức quan tâm, đặc biệt thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm đầy đủ sách giáo khoa, không để hiện tượng khan hiếm, thiếu sách giáo khoa cho năm học mới 2023 - 2024; kịp thời thông tin về tiến độ in, phát hành sách giáo khoa các lớp để nhân dân yên tâm, tạo sự đồng thuận xã hội.

Bộ Tài chính rà soát, thông tin về kết quả kê khai giá sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo chương trình giáo dục phổ thông mới để các địa phương lựa chọn, đăng ký nhu cầu mua sách giáo khoa bảo đảm kịp thời.

Với vấn đề học phí, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai thực hiện nghị quyết số 74 của Chính phủ. Chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung nghị định số 81 ngày 27.8.2021 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí.

Việc sửa đổi nghị định sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo phải trình Chính phủ trước ngày 30.5 để địa phương và các cơ sở giáo dục, đào tạo có căn cứ quyết định thời điểm, mức thu học phí năm học 2023 - 2024.

Về sửa nghị định, Phó thủ tướng lưu ý bộ cần phải đánh giá một cách căn cơ, tổng thể, toàn diện để đề xuất chính sách, lộ trình thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Đồng thời, có các cơ chế hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, yếu thế, địa bàn khó khăn để đảm bảo thực hiện chủ trương nhân văn, ưu việt của Đảng, Nhà nước trong phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Học phí đại học tính đúng, tính đủ theo lộ trình gắn cơ chế hỗ trợ

Tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, tự chủ đối với những cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở địa bàn có điều kiện thuận lợi. Tập trung ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục tại khu vực khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, hải đảo.

Thực hiện cấp bù cho phần học phí tăng thêm của mầm non, giáo dục phổ thông công lập đối với các nhóm đối tượng chính sách, khó khăn, yếu thế; bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập cho đội ngũ giáo viên tại các khu vực này.

Đối với học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu lộ trình thích hợp. Trong đó, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp.

Văn bản cũng nhấn mạnh yêu cầu của Phó thủ tướng, cần triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp (học bổng, miễn, giảm học phí), bố trí kinh phí từ các chương trình mục tiêu. 

Triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho sinh viên; cơ chế đặt hàng nhân lực của các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… để không làm giảm cơ hội vào đại học, nhất là đại học chất lượng cao đối với các đối tượng chính sách, học sinh nghèo học giỏi, người yếu thế...

Theo Tuổi trẻ