Sở GD&ĐT TP.HCM lên tiếng về tin nhắn ‘học sinh đồng tính ngồi riêng’
Kim Thành khen thưởng 58 giáo viên, học sinh có thành tích cao
Cựu học sinh Trường THPT Ninh Giang vừa trở thành thủ khoa điểm 10 toán Đại học Bách khoa Hà Nội
TP Hồ Chí Minh: Nhà trường không bắt học sinh may đồng phục mới vào đầu năm học
Tại cuộc họp báo chiều 3/11, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã thông tin về tin nhắn gây tranh cãi của cô Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TP.HCM).
Cụ thể, thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền và xôn xao về tin nhắn của hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì gửi đến thầy cô trong trường. Tin nhắn có một nội dung gây xôn xao như sau:
“Không được bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt các em nam/nữ có vấn đề về giới tính (đồng tính nữ/nam) cần được bố trí ngồi riêng”.
Theo ông Trọng, đây là tin nhắn của hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì gửi nội bộ cho các thầy cô trong trường, với mục đích giáo dục, định hướng cho học sinh không để xảy ra hành vi, hành động vượt quá mức tình bạn trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, tin nhắn lại được viết ngắn gọn, không diễn giải đúng mục đích hoạt động của nhà trường đang triển khai, gây ra hiểu lầm, có sự phân biệt, kỳ thị về giới trong nhà trường.
Qua đây, nhà trường cũng khẳng định hiệu trưởng không có sự phân biệt, kỳ thị về giới trong trường THPT Dương Văn Thì.
Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì cũng cho hay sẽ rút kinh nghiệm trong việc sử dụng từ ngữ cũng như cẩn trọng trong công tác chỉ đạo các hoạt động của nhà trường.
Sắp tới, lãnh đạo cũng như hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì sẽ có buổi trực tiếp trao đổi, nói chuyện với các em học sinh.
"Mục tiêu của buổi nói chuyện là để học sinh hiểu được sự tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu thương của thầy cô trong trường dành cho các em cũng như để bày tỏ mong muốn các em có một môi trường an toàn để vui chơi, học tập và rèn luyện. Trong nhà trường không bất kỳ sự kỳ thị hay phân biệt nào về giới, nhà trường sẽ luôn bảo vệ, đồng hành với các em ngăn chặn những hành vi có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về nhân cách, tâm lý các em", ông Trọng nói.
Theo báo cáo nghiên cứu bạo lực học đường trên cơ sở giới tại Việt Nam do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc thực hiện năm 2016 đã chỉ ra những học sinh tự coi là LGBT (bao gồm cả các học sinh không theo chuẩn mực giới) có nguy cơ dễ phải trải qua các hình thức bạo lực học đường đáng kể so với các bạn học khác. Trong nghiên cứu, 71% học sinh LGBT đã trải qua bạo lực thể chất, 72,2% bạo lực lời nói, 65,2% bạo lực tâm lý xã hội, 26% bạo lực tình dục và 20% bạo lực liên quan đến công nghệ thông tin.
Sở GD&ĐT TP.HCM sắp tới cũng sẽ có trao đổi, rút kinh nghiệm trong đội ngũ quản lý để các thầy cô khi triển khai các công tác quản lý cũng như tổ chức hoạt động trong nhà trường, đặc biệt trong công tác thông tin, tránh để xảy ra sự việc nhạy cảm và có thể gây hiểu nhầm như vừa qua.
(Nguồn: Zing News)