Sẵn sàng cho năm học mới
Với mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, các trường học trong tỉnh đã hoàn tất khâu chuẩn bị từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến kiện toàn đội ngũ giáo viên để sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023.
Nam sinh Hải Dương trở thành thủ khoa ngành có điểm chuẩn cao nhất Đại học Bách khoa Hà Nội
Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương điểm chuẩn cao nhất là 24,5
Hải Dương có điểm thi đánh giá năng lực đầu tiên
Trường Tiểu học Kim Anh (Kim Thành) đưa vào sử dụng nhà 3 tầng, 9 phòng học mới hiện đại
Các trường học trong tỉnh đã hoàn tất khâu chuẩn bị từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến đội ngũ giáo viên, sẵn sàng bước vào năm học mới 2022-2023 với mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Nhiều phòng học mới
Năm học 2022-2023, thị xã Kinh Môn đưa vào sử dụng 28 phòng học mới. Ông Vũ Hồng Hải, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thị xã cho biết việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ dạy và học được các trường triển khai thực hiện từ sớm. Ngoài bổ sung bàn ghế, trang trí các phòng học, nhiều trường đã huy động hàng tỷ đồng từ ngân sách địa phương, xã hội hóa để xây phòng học, cải tạo khuôn viên trường.
Cô giáo Hoàng Thị Lương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Thành (Kinh Môn) cho biết sau 1 năm xây dựng, năm học này trường đưa vào sử dụng 10 phòng học mới. Trường còn bổ sung nhiều trang thiết bị, đồ dùng học tập, xây vườn rau trải nghiệm và mở rộng bếp ăn. "Năm học trước, trường có 2 điểm trường, hiện chỉ còn 1. Có trường mới khang trang, hiện đại, chúng tôi rất vui, số lượng trẻ tăng hơn năm trước", cô giáo Lương nói.
Tương tự, năm học này toàn huyện Kim Thành cũng đưa vào sử dụng 42 phòng học mới, 14 phòng làm việc, phòng chức năng, 3 bể bơi và một số hạng mục công trình khác với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Ông Phạm Tiến Nhuận, Trưởng Phòng GDĐT huyện Kim Thành cho biết đến thời điểm này, các công trình sửa chữa và xây mới đã cơ bản hoàn thành. Các trường gấp rút hoàn thành tổng vệ sinh khuôn viên trường lớp để sẵn sàng bước vào năm học mới.
Trường Tiểu học Kim Anh (Kim Thành) đưa vào sử dụng nhà 3 tầng, 9 phòng học mới từ năm học này. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, công trình có kinh phí xây dựng khoảng 8 tỷ đồng với đầy đủ bàn ghế, trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, trường cũng đưa vào sử dụng khu bể bơi gần 300 m2. "Trường có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đầy đủ, có bể bơi, sân bóng cỏ nhân tạo... đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học, bảo đảm thực hiện tốt theo chương trình giáo dục phổ thông 2018", thầy Tuấn nói.
Ngoài 2 địa phương trên, các huyện, thành phố khác cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất để chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới. Huyện Tứ Kỳ cũng đưa vào sử dụng 133 phòng học mới, huyện Thanh Hà có 23 phòng học mới và 1 bể bơi...
Trường Mầm non Quang Thành (Kinh Môn) vừa được đầu tư xây dựng khang trang
Ổn định đội ngũ giáo viên
Hiện các địa phương đã cơ bản hoàn thành kế hoạch luân chuyển, sắp xếp ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường. Các cán bộ, giáo viên đều được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ đầy đủ, nhất là phần nội dung dạy chương trình giáo dục phổ thông mới. Sách giáo khoa đã cơ bản đầy đủ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Phòng GDĐT huyện Tứ Kỳ cho biết các trường trong huyện đã hoàn thành việc bố trí, phân công chuyên môn, chuẩn bị các điều kiện đón học sinh khai giảng năm học mới.
Năm học này, Trường THCS Phan Bội Châu (Tứ Kỳ) có 742 học sinh. Theo thầy giáo Nguyễn Nam Hưng, Hiệu trưởng nhà trường, căn cứ quy mô lớp, trường đã phân công cụ thể các giáo viên chủ nhiệm từ sớm. 2 vị trí giáo viên thiếu đang chờ huyện xét tuyển. Để chuẩn bị thực hiện tốt chương trình sách giáo khoa mới lớp 7, trường đã lựa chọn những giáo viên có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia giảng dạy.
Năm học 2022-2023, lần đầu tiên các trường THPT triển khai chương trình sách giáo khoa mới lớp 10. Đến ngày 26.8, hầu hết các trường đã có giải pháp tháo gỡ khó khăn và hoàn thành phương án để sẵn sàng dạy chương trình mới. Thầy giáo Lê Văn Lục, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện cho biết trường xây dựng 7 tổ hợp môn lựa chọn, đồng thời tư vấn, định hướng cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn theo năng lực, sở trường trên cơ sở điều kiện vật chất và đội ngũ giáo viên. "Trường có nhiều giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên hơn nên đã xây dựng 4 tổ hợp của nhóm này, còn lại là nhóm khoa học xã hội. Kết quả, có 70% số học sinh lựa chọn tổ hợp khoa học tự nhiên", thầy Lục chia sẻ.
Năm học này, học sinh sẽ không phải lo dịch Covid-19 làm gián đoạn việc đến lớp như trước. Tuy nhiên, để học sinh yên tâm đến trường thì việc tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn là giải pháp hàng đầu hiện nay, nhất là với trẻ từ 5-12 tuổi. Theo thống kê của Sở Y tế, đến ngày 29.8, tỷ lệ trẻ em tiêm vaccine trong tỉnh còn thấp, nhất là nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 2 mới đạt 46,3%.
Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GDĐT cho biết để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học tới, sở đã yêu cầu các trường tiếp tục chủ động phòng chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tích cực vận động phụ huynh đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh theo các mũi quy định. Phòng GDĐT cấp huyện, các trường thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, xây dựng đơn vị vững mạnh, đưa ngành giáo dục phát triển.
THẾ ANH