"Trăng máu hải ly" sắp tái xuất: Quan sát từ Việt Nam như thế nào?
Trăng máu - tức nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra vào đêm trăng tròn tháng 11, tức đêm 8.11 theo giờ Việt Nam. Theo cách gọi của các nước phương Tây, trăng tháng 11 còn được gọi là "trăng hải ly", tạo nên một khung cảnh "trăng máu hải ly" kỳ ảo.
Theo tờ Space, "trăng máu hải ly" có thể nhìn thấy ở nhiều quốc gia châu Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Đại Dương, với vùng tâm điểm chếch về phía cực Bắc.
Các giai đoạn của nguyệt thực - Ảnh: NPR
Theo định vị của Time and Date tại Việt Nam, các tỉnh phía Bắc và một phần miền Trung sẽ quan sát trăng máu ở cấp độ thứ 3, với toàn bộ quá trình là nguyệt thực toàn phần. Trong khi đó, khu vực Nam Trung Bộ - Nam Bộ sẽ quan sát ở cấp độ thứ tư, bao gồm một giai đoạn toàn phần và một giai đoạn nguyệt thực một phần.
Vùng quan sát nguyệt thực: màu càng đậm thời gian quan sát càng dài và nhiều giai đoạn - Ảnh: TIME AND DATE
Định vị tại TP Hồ Chí Minh cho thấy người dân sẽ bắt đầu quan sát "trăng máu hải ly" ngay điểm cực đại của giai đoạn toàn phần vào lúc 17 giờ 59 ngày 8.11 (giờ Việt Nam), giai đoạn nguyệt thực một phần từ 18 giờ 41 đến 19 giờ 49 và giai đoạn nguyệt thực nửa tối (mặt trăng hơi đen lại vì bóng của Trái Đất) từ 19 giờ 49 đến 20 giờ 56.
Trong khi đó, người dân ở Hà Nội sẽ quan sát trăng máu hải ly toàn vẹn từ 17 giờ 16 chiều 8.11, đạt cực đại vào lúc 17 giờ 59. Mặt trăng sẽ chuyển qua giai đoạn nguyệt thực một phần và nguyệt thực nửa tối cùng thời điểm mà người quan sát từ TP Hồ Chí Minh trông thấy.
Như vậy, chúng ta khá may mắn khi có thể quan sát trăng máu trọn vẹn nhất ngay vào thời điểm hoàng hôn, khi các yếu tố quang học trong bầu khí quyển tạo nên "ảo ảnh mặt trăng", khiến trăng to và huyền ảo hơn.
Theo Người lao động