"Chợ giải pháp số" cho doanh nghiệp

Với người dân, sàn thương mại điện tử là Shopee, Lazada, Voso… thì với doanh nghiệp, 2 nền tảng cung cấp giải pháp số từ VNPT và Viettel đã và đang giúp doanh nghiệp thêm sự lựa chọn ứng dụng công nghệ.
Thông qua "chợ giải pháp số", Công ty TNHH TM&XD Ngọc Khánh cùng rất nhiều doanh nghiệp khác đã lựa chọn được ứng dụng công nghệ phù hợp Tiện lợi, thiết thực 7 năm trước, ngay sau khi thành lập, Công ty TNHH TM&DV Ngọc Khánh ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) đã sử dụng dịch vụ chữ ký số do Viettel Hải Dương cung cấp. Giữa năm 2019, thông qua nền tảng Viettel.vn, công ty này đăng ký sử dụng dịch vụ phần mềm tổng hợp bán hàng trên nền tảng điện toán đám mây của Viettel. Anh Trần Văn Ngọc, Giám đốc công ty chia sẻ, với đặc thù là một công ty phân phối, thi công sơn công trình, phần mềm này đã góp phần tối đa hóa hiệu quả kinh doanh. “Từ khi sử dụng phần mềm này, quy trình kinh doanh của công ty gần như thay đổi hoàn toàn theo hướng chuyên nghiệp. Tiến độ thi công các công trình được cập nhật thông qua phần mềm giúp chúng tôi chủ động trong việc lập kế hoạch mọi lúc, mọi nơi. Từ đó nâng cao hiệu quả trong điều phối nhân lực, nguyên vật liệu thi công”, anh Ngọc nói. Hiệu quả kinh doanh được cải thiện, góp phần giúp công ty đạt mức tăng trưởng doanh thu 7% qua từng năm. Cũng trên nền tảng điện toán đám mây, Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển Việt Đức ở xã Hồng Khê (Bình Giang) lựa chọn dịch vụ cho thuê máy chủ ảo do VNPT Hải Dương cung cấp từ đầu tháng 11.2021. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Minh Thủy, Giám đốc công ty, trước khi thuê máy chủ ảo, hệ thống máy chủ vật lý đã qua nhiều năm vận hành, dần xuống cấp. “Chúng tôi từng lập kế hoạch thay thế toàn bộ hệ thống máy chủ vật lý, song sau khi cân nhắc dịch vụ cho thuê máy chủ ảo trên nền tảng oneSME của VNPT, chúng tôi đã quyết định sử dụng dịch vụ này. Từ vấn đề bảo mật, vận hành, bảo trì đến nâng cấp dung lượng máy chủ đều được VNPT cam kết hỗ trợ bất kỳ lúc nào công ty có yêu cầu. Sau 1 năm sử dụng, chúng tôi chưa gặp bất kỳ lỗi kỹ thuật nào”, anh Thủy cho biết. Cũng thông qua oneSME, Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển Việt Đức đã sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử của VNPT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đã giúp công ty tiết kiệm khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng, tương đương 240 triệu đồng mỗi năm. Trên đây là 2 trong số hàng trăm doanh nghiệp đăng ký và sử dụng các sản phẩm số được Viettel, VNPT cung cấp thông qua nền tảng trực tuyến. Đa phần các doanh nghiệp khi được hỏi đều đánh giá cao sự tiện lợi, thiết thực của 2 “chợ giải pháp số” này.  Thêm động lực chuyển đổi số doanh nghiệp Theo đại diện bộ phận kinh doanh Viettel Hải Dương, mỗi tháng có hàng trăm doanh nghiệp trên cả nước đăng ký và sử dụng dịch vụ doanh nghiệp được cung cấp trên Viettel.vn, khoảng 10% trong số đó là các doanh nghiệp ở Hải Dương. Còn oneSME.vn là nền tảng chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được VNPT chính thức triển khai từ tháng 8.2021. Tháng 10.2021, nền tảng này được phát triển tại Hải Dương và đến giữa tháng 10 năm nay đã có gần 400 doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký sử dụng dịch vụ. Anh Trịnh Tố Toản, chuyên viên tư vấn giải pháp VNPT Hải Dương thông tin: “oneSME tương tự một kho sản phẩm số, được cập nhật thường xuyên theo nhu cầu thực tế của thị trường, từ chữ ký số, thanh toán bảo hiểm đến hạ tầng số, gói dịch vụ quản trị doanh nghiệp... Việc đóng gói, tích hợp các sản phẩm, giải pháp cũng như giá cước giúp khách hàng lựa chọn ứng dụng vừa bảo đảm phù hợp điều kiện, vừa tiết kiệm chi phí”. Trong tương lai, VNPT có thể mở rộng hạ tầng nền tảng oneSME để có thể tích hợp thêm giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phức tạp hơn; đồng thời hợp tác với nhiều nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp để đa dạng hóa sản phẩm. “oneSME hướng đến việc giúp doanh nghiệp tùy chọn các gói dịch vụ tích hợp, ghép từ nhiều dịch vụ đơn lẻ để bám sát nhất nhu cầu của từng doanh nghiệp. Có giải pháp phù hợp, doanh nghiệp thêm động lực nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường”, anh Toản nói thêm. Chị Nguyễn Việt Anh, nhân viên điều hành kinh doanh Viettel Hải Dương cho rằng để nền tảng cung cấp sản phẩm số phục vụ ngày một tốt hơn rất cần sự phối hợp, phản hồi đánh giá từ phía doanh nghiệp. “Trong những phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ số đến doanh nghiệp, "chợ giải pháp số" của Viettel hay các đơn vị khác là kênh hiệu quả nhất. Tuy nhiên mỗi doanh nghiệp có một đặc thù sản xuất, kinh doanh khác nhau do đó phản hồi từ phía doanh nghiệp sẽ là căn cứ quan trọng để các đơn vị cung cấp giải pháp cải thiện chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn lộ trình chuyển đổi số doanh nghiệp”, chị Việt Anh nói. Bà Hoàng Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Vũ Hoàng ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) cho biết: “Với phương thức chợ trực tuyến này, chúng tôi sẽ được tư vấn, tham khảo ý kiến để lựa chọn dịch vụ phù hợp điều kiện thực tế. Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin theo từng giai đoạn nhờ đó rõ ràng hơn. Điều này rất hữu ích”. Tuy nhiên, bà Hương cho rằng các đơn vị cung cấp cần tăng cường quảng bá về "chợ giải pháp số". Không ít doanh nghiệp chưa biết đến những nền tảng cung cấp trực tuyến này, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ. Do còn nhiều hạn chế về nhân lực, tài chính nên nhóm doanh nghiệp này còn e ngại khi liên hệ đơn vị cung cấp giải pháp.  Viettel.vn, oneSME.vn hay tới đây là những nền tảng cung cấp dịch vụ số khác được đánh giá là cầu nối cung cấp sản phẩm số, giải pháp số. “Chợ” đã có, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc “mua sắm”.  

Nền tảng oneSME.vn và viettel.vn

Nền tảng oneSME (của VNPT) cung cấp các sản phẩm, giải pháp số phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp (ảnh chụp màn hình oneSME.vn)

2 nền tảng oneSME.vn và viettel.vn được đánh giá là "chợ giải pháp số" hữu ích đối với doanh nghiệp. Qua đó giúp doanh nghiệp lựa chọn sản phẩm, dịch vụ số phù hợp điều kiện thực tế. Dưới đây là một số thông tin giới thiệu về 2 nền tảng này. Để đăng ký tài khoản, người dùng truy cập địa chỉ oneSME.vn hoặc viettel.vn sau đó thực hiện theo hướng dẫn. Sau khi tạo tài khoản, để đăng ký mua sản phẩm trên 2 nền tảng này, người dùng truy cập danh mục sản phẩm, giải pháp. Đối với oneSME gồm: giao dịch điện tử, quản trị doanh nghiệp, gói tích hợp ưu đãi, viễn thông, hạ tầng, phần mềm chuyên ngành. Đối với viettel.vn gồm: ViettelCA (chữ ký số), vObject (lưu trữ đám mây), vServer (máy chủ ảo), SInvoice (hóa đơn điện tử), vBHXH (kê khai bảo hiểm xã hội), vMenu (quản lý bán hàng), vMark (truy xuất nguồn gốc) cùng nhiều danh mục khác. Tại mỗi mục thành phần, người dùng có thể lựa chọn các sản phẩm, giải pháp như chữ ký số, hợp đồng điện tử, quảng cáo thông minh, hội nghị truyền hình, dịch vụ quản lý bán hàng, máy chủ ảo, dịch vụ lưu trữ website, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ định danh khách hàng điện tử… Thông tin về từng dịch vụ được hiển thị trực quan, từ tổng quan, đánh giá, hướng dẫn sử dụng đến bảng giá. Người dùng căn cứ nhu cầu thực tế để lựa chọn sản phẩm, dịch vụ cụ thể, sau đó làm theo hướng dẫn để mua sản phẩm hoặc nhận thông tin tư vấn. Ngoài ra, người dùng có thể trò chuyện với nhân viên tư vấn của oneSME hoặc viettel.vn thông qua tính năng Chatbot (trợ lý ảo) được hiển thị góc dưới, bên phải website. Ngoài 2 nền tảng trên, để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, phát triển Cổng thông tin đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp (tại địa chỉ dbi.gov.vn). Qua đó cung cấp công cụ đánh giá đối với 3 nhóm doanh nghiệp. Theo đó, đánh giá mức độ chuyển đổi số nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa có 6 trụ cột, 60 tiêu chí, 2 nhóm doanh nghiệp lớn và tập đoàn/tổng công ty cùng có 6 trụ cột 139 tiêu chí. Cổng thông tin dbi.gov.vn cũng tích hợp chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được giới thiệu để tiếp cận, lựa chọn, sử dụng những nền tảng số. Các nền tảng số tham gia đều do doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển, làm chủ và cung cấp. Truy cập cổng thông tin này, doanh nghiệp có thể tham khảo một số cẩm nang chuyển đổi số cũng như các thông tin hữu ích khác.

HÀ KIÊN