Quan tâm hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng
Điểm nhấn trong xây dựng xã hội số năm 2022 của Hải Dương là triển khai các tổ công nghệ số cộng đồng. Thành viên các tổ này đã góp phần lan tỏa công nghệ số đến gần hơn với từng người dân.
Chuyển đổi số giúp chi trả tiền lương qua tài khoản, không dùng tiền mặt
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn, Hội, Đội
[Video] Tìm kiếm ứng dụng thực tiễn từ Fintech, AI, Blockchain, Cloud cho chuyển đổi số Hải Dương
Nhân viên VNPT Hải Dương hướng dẫn về sàn thương mại điện tử cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng của huyện Bình Giang
Mắt xích thúc đẩy chuyển đổi số cơ sở Từ trước tới nay, ông Bùi Quang Hiệp, sinh năm 1955 ở khu 7 thị trấn Gia Lộc phần lớn dùng điện thoại thông minh để đọc tin tức từ một số báo điện tử. Còn với ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID, ông Hiệp gặp không ít khó khăn. “Lớp người cao tuổi như chúng tôi tương đối hạn chế trong tiếp thu, tiếp nhận công nghệ mới. Tôi không nắm rõ các bước kích hoạt tài khoản định danh điện tử”, ông Hiệp chia sẻ. Ông Hiệp không phải trường hợp duy nhất gặp khó khăn khi toàn tỉnh thực hiện triển khai công tác cấp, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử. Để hướng dẫn người dân, các tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, khu dân cư đã tích cực vào cuộc. Nổi bật nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên. Theo anh Tăng Văn Nguyên, Bí thư Huyện đoàn Gia Lộc, tổ chức cơ sở đoàn đã thành lập các tổ xung kích tại các xã, hỗ trợ lực lượng công an trong việc kiểm tra, ghi chép thông tin trên hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip, phục vụ các nội dung trong Đề án 06 của Chính phủ, hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm VNeID, dịch vụ công trực tuyến… “Đối với lớp người trung và cao tuổi, đoàn viên chúng tôi không chỉ hướng dẫn tại trụ sở UBND huyện, xã hay nhà riêng mà còn lưu lại số điện thoại để người dân liên hệ bất kỳ khi nào gặp vướng mắc”, anh Nguyên cho biết. Không chỉ hướng dẫn người dân tiếp cận các nền tảng số, điểm nhấn trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số của các tổ công nghệ số cộng đồng TP Hải Dương năm vừa qua là việc số hóa thông tin giới thiệu về gần 20 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Hạt nhân cũng là lực lượng đoàn viên, các tổ công nghệ số thành phố đã biên soạn nội dung, thiết kế hình ảnh, dịch song ngữ, gắn mã QR tại các di tích. Bí thư Thành đoàn Hải Dương Nguyễn Thị Lệ Chi chia sẻ: “Thông qua việc quét mã QR, thông tin, hình ảnh, nguồn gốc ra đời, quá trình phát triển của di tích sẽ hiển thị. Du khách có thể nắm bắt nhanh chóng mà không cần hướng dẫn viên. Đây là cách quảng bá trên không gian số hiệu quả, nhất là khi có bản dịch tiếng Anh để phục vụ du khách nước ngoài”.Đoàn viên thanh niên là lực lượng xung kích, tích cực vào cuộc hướng dẫn, hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản VNeID. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên xã Thống Nhất (Gia Lộc) hướng dẫn người dân tại bộ phận "một cửa" xã
Sớm tháo gỡ vướng mắc Đến nay, 12/12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thành lập tổ chỉ đạo triển khai tổ công nghệ số cộng đồng cấp huyện, 235 xã, phường, thị trấn đã thành lập 1.340 tổ công nghệ số cộng đồng thôn, khu dân cư với gần 7.000 thành viên. Một năm qua, thành viên các tổ này đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số thông qua nhiều lớp bồi dưỡng cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Tuy nhiên, thành viên các tổ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, thậm chí nhiều thành viên còn yếu và thiếu về kỹ năng, kiến thức công nghệ. Hoạt động của các tổ có thể nói phần lớn phụ thuộc vào lực lượng nòng cốt, xung kích là các đoàn viên thanh niên. Theo ông Vũ Đình Lương, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện), thực tế không ít thành viên các tổ ở thôn, khu dân cư đều đã lớn tuổi, lại xuất phát từ những công việc ít có cơ hội tiếp cận công nghệ. “Bản thân tôi còn chưa thành thạo thì khó có thể hướng dẫn người khác”, ông Lương nói. Một rào cản khác chính là không ít người dân là nông dân thuần túy, chỉ quen với ruộng đồng nên không có nhu cầu sử dụng công nghệ. Thậm chí họ cũng không sử dụng điện thoại thông minh. Thay đổi tư duy của nhóm người này không phải chuyện một sớm, một chiều. Ngoài ra, hiện chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng. Ngoại trừ một số lượng rất ít thôn, khu dân cư bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ, thành viên các tổ này chủ yếu hoạt động trên tinh thần tự nguyện. HÀ KIÊN