Nữ sinh trúng tuyển trường kinh doanh số 1 nước Mỹ
Thủ khoa Sư phạm Lý giành ba học bổng tiến sĩ Mỹ
Một nửa người Mỹ lo sợ AI cướp công việc
Nhà mạng Hàn Quốc hợp tác với công ty Mỹ phát triển trí tuệ nhân tạo
Chào đời tại thành phố Kazan, Nga, năm 2005, Khánh Huyền có nhiều năm sinh sống ở đây trước khi trở về Hà Nội vào năm 2014. Khi ở Nga, cô gái người Việt đã bộc lộ khả năng tiếp thu nhanh ngoại ngữ. Năm 7 tuổi, em nói mình học bảng chữ cái tiếng Nga trong 45 phút và khiến cô giáo xúc động khi thuộc lòng một bài thơ của Pushkin ngay trong buổi học thứ hai. Em cũng thường xuyên đọc các sách khoa học viễn tưởng bằng tiếng Anh. Đến nay, Khánh Huyền có thể sử dụng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật và tiếng Trung. Năm 2020, khi vào lớp 10, với mục tiêu du học Mỹ, nữ sinh chuyển sang học ở trường Quốc tế Concordia Hà Nội để thử sức với các môn AP (Advanced Placement Program). Đây là các môn có nội dung tương đương với các khóa cơ bản trong năm đầu ở đại học, giúp học sinh làm quen và hoàn thành một số tín chỉ đại học ngay từ khi học phổ thông. Có bà ngoại là giám đốc điều hành chợ của người nước ngoài tại thành phố Kazan, tinh thần khởi nghiệp đã theo Khánh Huyền từ ngày bé. Ở nhà, bố mẹ thường nói chuyện cùng em về những cuốn sách kinh doanh của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà đầu tư Warren Buffett. Ước mơ được đặt chân đến Wharton, ngôi trường số 1 về kinh doanh ở Mỹ (theo U.S News & Word Report), nơi ông Donald Trump từng theo học, lớn dần trong Khánh Huyền. Dù vậy, Huyền thừa nhận khi ấy, Wharton là một giấc mơ xa. Qua tìm hiểu, em biết trường có tỷ lệ chấp nhận ứng viên thấp, khoảng 7,6% trong hàng chục nghìn hồ sơ mỗi năm. Đến năm lớp 11, Khánh Huyền vẫn chưa tự tin về bản thân khi đọc thành tích của những du học sinh trúng tuyển đại học hàng đầu ở Mỹ. Tuy nhiên, nhận thấy ngồi im không giải quyết được vấn đề, em quyết định ngừng nhìn vào các hình mẫu mà tập trung học và chuẩn bị các yêu cầu cần thiết của hồ sơ du học. Tháng 9.2021, Khánh Huyền và hai người bạn nảy ra ý tưởng về sản phẩm băng vệ sinh tự phân huỷ, chưa từng có mặt trên thị trường Việt Nam. Trong nước, sợi tre gần như là vật liệu duy nhất có thể sử dụng, tuy nhiên việc nuôi tre rất tốn nước. Giữa lúc đau đầu tìm vật liệu, Huyền và các bạn nghe tin về chiến dịch "giải cứu thanh long" vì không xuất khẩu được giữa dịch Covid-19. Các em nhờ một phụ huynh là dược sĩ làm các thử nghiệm với vỏ thanh long và tìm thêm các nghiên cứu trên báo nước ngoài. Kết quả cho thấy, vỏ thanh long có khả năng thấm hút cao hơn vỏ chanh hay vỏ cam và có chất chống nước. "Qua quá trình xử lý, vỏ thanh long sẽ trở thành vật liệu có nhiều công năng để làm thành các thành phần của băng vệ sinh", Huyền nói. Với những kiến thức tự học về kinh doanh, Huyền còn đảm nhận vai trò tìm hiểu thị trường, nghiên cứu khách hàng, xác định nguồn cung ứng vật liệu, tính toán chi phí sản xuất, định giá sản phẩm. "Tất cả mọi thứ em phải bắt đầu từ con số 0", Huyền cho biết. Hơn nữa, vỏ thanh long cũng khó định giá vì nó là rác thải hoặc thức ăn cho vật nuôi. Huyền và nhóm đã dành cả tháng đi tìm nguồn cung ứng vỏ thanh long ở các nông trại, nhà máy chế biến thanh long chỉ lấy ruột xuất khẩu nước ngoài. Trong nửa năm sau đó, các em nhiều ngày thức thâu đêm để nghiên cứu.
Khánh Huyền trong buổi chụp ảnh kỷ yếu của trường tại Văn miếu Quốc Tử Giám tháng 10.2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tháng 3.2022, nhóm giành giải nhất cuộc thi sáng chế bảo vệ môi trường "The Earth Prize 2022" của một tổ chức phi lợi nhuận ở Thụy Sĩ, kèm theo phần thưởng 100.000 USD (2,3 tỷ đồng) với dự án nghiên cứu băng vệ sinh từ vỏ thanh long. Tháng 4, nhóm mang dự án sang Mỹ dự cuộc thi sáng chế khoa học cho các vấn đề trên thế giới "Conrad Challenge 2022" và cũng giành giải nhất. Cùng thời gian này, Huyền tiếp tục duy trì phong độ tốt trong việc học ở trường. Tháng 7.2022, em đạt điểm chuẩn hoá ACT 35/36 điểm. Ngoài ra, em hoàn thành 5 môn AP, đạt điểm tuyệt đối 5/5 ở môn lịch sử thế giới, văn học Mỹ và kinh tế vi mô. Bước sang lớp 12 cũng là lúc Khánh Huyền cảm thấy đã đủ "chín" để hoàn thiện bộ hồ sơ nhiều thành phần (sơ yếu lý lịch, bảng điểm, thư giới thiệu, các hoạt động ngoại khoá và các bài luận) nộp đại học Mỹ. Em vẫn giữ ước mơ, táo bạo chọn Trường Kinh doanh Wharton để nộp cho kỳ tuyển sinh sớm (Early Decision 1) với tinh thần nếu thất bại sẽ làm lại. Biết độ cạnh tranh cao của trường, nữ sinh chọn không xin học bổng để hội đồng tuyển sinh không cần cân nhắc đến yếu tố tài chính. Được tích lũy trải nghiệm ở nhiều môi trường, nhiều dự án, Khánh Huyền nói điều này giúp em viết ra các bài luận một cách "tự nhiên, có cá tính và thuyết phục được trường Wharton". Bài luận chính của em viết về việc tìm thấy đam mê kinh doanh qua bà ngoại và dự án sản xuất băng vệ sinh bằng vỏ thanh long cùng quyết tâm theo đuổi nó. Ngày 16.12, cả nhà Khánh Huyền vỡ oà khi nhìn thấy dòng chữ "Chúc mừng" từ Trường Kinh doanh Wharton vào bảy giờ sáng. Chị Phạm Lan Anh, mẹ của Khánh Huyền, cho biết mỗi ngày con đều miệt mài học, làm việc đến một giờ sáng ngày hôm sau. Những hôm cần tập trung học những môn AP khó như nhạc lý, hóa học, con học đến ba giờ sáng mới đi ngủ. "Một sự nghiêm túc và lao lực không hề nhẹ với lứa tuổi của con", chị Lan Anh nói. Chị cho biết, thỉnh thoảng con hỏi xin mẹ các báo cáo đánh giá kinh tế của Việt Nam để nghiên cứu tương quan giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Con cũng nắm bắt khá nhanh các nguyên lý đầu tư tài chính nếu mẹ chia sẻ. Theo chị Lan Anh, Huyền là chị cả, khá già dặn và tự lập. Từ 6 tuổi, Huyền đã dậy sớm một mình chuẩn bị bữa sáng, rồi ra xe đi học giữa trời tuyết trắng lạnh giá tại Nga. Mọi vấn đề cuộc sống, mẹ có thể bàn thảo với em như một người bạn. "Khó tìm thấy trong Huyền sự dễ thương của một cô gái mới lớn mà ở con có sự chỉn chu, nghiêm túc nhiều hơn", chị chia sẻ. Cô giáo Renee Kahre, giảng dạy môn AP kinh tế học tại Trường Quốc tế Concordia Hà Nội, đánh giá Khánh Huyền tiếp thu nhanh cách thức hoạt động của các hệ thống kinh tế. Em nhạy bén, thể hiện khả năng phân tích, kết nối, tư duy phản biện khi trả lời chính xác các bài toán kinh tế. Đặc biệt, Huyền có khả năng tư duy độc lập. Đầu tháng 12, dự án sản xuất băng vệ sinh bằng vỏ thanh long của Khánh Huyền và hai người bạn đã được cấp bằng sáng chế. Em cho biết, sản phẩm mẫu đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Với số tiền 2,3 tỷ đồng, nhóm sẽ sản xuất số lượng lớn, ra mắt thị trường năm 2024. Em và các bạn hy vọng hoàn vốn trong bốn năm và có lợi nhuận từ năm thứ năm. Khánh Huyền nhập học tại Mỹ vào tháng 8 năm 2023. Cô gái Việt dự định sau tốt nghiệp sẽ ở lại làm việc lấy kinh nghiệm một vài năm trước khi trở về tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tài chính. "Ngoài ra, ở trường Wharton có Venture Lab, em dự kiến tiếp tục thí nghiệm và phát triển sáng chế của mình và các bạn", Huyền chia sẻ.
Theo VnExpress