Nữ sinh mê ''cày phim'' trúng tuyển Đại học Bắc Kinh

Nữ sinh 18 tuổi trúng tuyển ngôi trường danh tiếng bậc nhất Trung Quốc nhờ kết hợp sở thích "cày phim" với việc học ngôn ngữ.

Ngô Kim Ngân, cựu học sinh chuyên tiếng Trung, trường THPT chuyên Lào Cai, là một trong 41 ứng viên trúng tuyển học bổng chính phủ Trung Quốc (CSC) năm nay.

Ngân sẽ tới Đại học Bắc Kinh để theo đuổi ngành Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc. Đây là trường đại học hàng đầu Trung Quốc và trong top 20 thế giới, theo bảng xếp hạng THE. Với học bổng CSC, ngoài được miễn học phí, ký túc xá, bảo hiểm y tế, Ngân còn được trợ cấp 2.500 tệ (9 triệu đồng) mỗi tháng.

"Em nhận được mail thông báo kết quả học bổng khi vừa ngủ dậy. Em vô cùng hạnh phúc", nữ sinh chia sẻ.

Chị Trịnh Thị Thu Huyền, mẹ Ngân, tự hào khi nhìn con nhận giấy báo trúng tuyển do Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba trao cách đây vài hôm. "Công sức của con đã được đền đáp xứng đáng. Tôi rất vui nhưng cũng hơi buồn vì sắp phải xa con", chị Huyền nói.

Ngân và mẹ tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nhận giấy nhập học Đại học Bắc Kinh hôm 2/8. Ảnh: Bình Minh

Ngân và mẹ tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nhận giấy nhập học Đại học Bắc Kinh hôm 2.8

Chị Huyền kể con gái mê xem phim Trung Quốc từ nhỏ. Có lần, Ngân dậy từ 4h30 để "cày" phim bộ và bị mẹ mắng. Trong một cuốn sổ, Ngân ghi chép gần 200-300 bộ phim từng xem.

Nữ sinh bắt đầu tiếp xúc với tiếng Trung hồi đầu năm lớp 8, khi học cùng chị hàng xóm. Em sau đó được thi vượt cấp học sinh giỏi tiếng Trung của thành phố cùng các anh chị lớp 9 và giành giải khuyến khích. Xác định thi chuyên Trung năm cấp 3, Ngân được gia đình cho học thêm ngoài và giành giải nhất tỉnh năm lớp 9. Ngân cũng trong 4 học sinh có điểm đầu vào lớp chuyên Trung cao nhất và đứng đầu đội tuyển học sinh giỏi suốt ba năm.

"Ngân là học sinh xuất sắc nhất lớp và đội tuyển. Em ấy có năng khiếu, đam mê, chăm chỉ và quyết tâm", cô Đoàn Thị Thu, chủ nhiệm lớp Ngân, chia sẻ.

Cô Thu ấn tượng với tinh thần ham học cùng khả năng tiếng Trung của học trò. Năm lớp 11 và 12, Ngân đều giành giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Trung. Năm lớp 11, Ngân cũng đạt HSK 6 (kỳ thi năng lực Hán ngữ quốc tế với 6 bậc) với 271/300 điểm.

Theo Ngân, người học thường chật vật với cách phát âm tiếng Trung nhưng em không gặp khó do đã nghe quen ngôn ngữ này từ nhỏ, thông qua các bộ phim. Tân sinh viên Đại học Bắc Kinh cho hay tiếng Trung khó nhất ở phần viết và ngữ pháp. Khi xem phim, Ngân thường vừa nhìn phụ đề tiếng Việt và tiếng Trung để biết cách dịch. Nếu gặp thành ngữ, tục ngữ hay từ mới chưa biết, em ghi lại trên điện thoại, thỉnh thoảng lấy ra đọc hoặc đố các bạn.

"Cách đó vừa được ôn vừa giúp các bạn cùng học", Ngân nói.

Khi học viết, Ngân chú trọng học quy tắc và ý nghĩa các bộ thủ. Cách này cũng giúp Ngân nhớ cách viết từ thay vì phải chép đi chép lại hàng chục lần.

"Ví dụ, từ An trong tiếng Trung có bộ hiên và bộ nữ. Bộ hiên đại diện cho mái nhà, dưới mái nhà có phụ nữ sẽ an, tức yên ổn, yên bình, yên ấm", Ngân giải thích.

Về ngữ pháp, Ngân cho hay tiếng Trung không chia động từ như tiếng Anh nhưng có nhiều bổ ngữ và lượng từ nên cần lưu ý.

Ngoài ra, nhà gần cửa khẩu Hà Khẩu nên Ngân sang đây thường xuyên để trò chuyện với người bản địa. Ngân cho hay, nếu không có sự luyện tập, người học sẽ khó bắt kịp người đối diện nói gì. Việc này giúp em rèn phản xạ và kỹ năng nói.

Ngân (bìa phải) cùng các bạn tham gia cuộc thi tranh biện tiếng Hoa do Đại học Ngoại thương tổ chức năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngân (bìa phải) cùng các bạn tham gia cuộc thi tranh biện tiếng Hoa do Đại học Ngoại thương tổ chức năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với Ngân, trở ngại lớn nhất khi học tiếng Trung đến từ áp lực em tự tạo ra. Ngân thường đặt ra các mục tiêu học tập, rất sợ nếu không đạt được.

"Nhưng áp lực tạo kim cương nên áp lực cũng tạo động lực cho em. Nhờ có áp lực đấy, em mới không ngừng phấn đấu và giữ vững phong độ", Ngân nói.

Cựu học sinh chuyên Trung yêu thích văn học Trung Quốc, ước mơ được nghiên cứu chuyên sâu về tiếng Trung ở bậc đại học. Lúc nộp học bổng CSC, Ngân đăng ký Đại học Bắc Kinh và Đại học Sư phạm Bắc Kinh vì đây là hai trường đứng đầu về đào tạo lĩnh vực này.

Ngân cho biết kế hoạch học tập, chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả học tập ba năm cấp ba là quan trọng nhất trong bộ hồ sơ học bổng CSC. Trong kế hoạch học tập, ứng viên cần nói lý do chọn trường, chọn ngành và trình bày cụ thể mục tiêu của bản thân trong từng năm học cũng như định hướng sau khi tốt nghiệp.

"Hội đồng tuyển sinh sẽ xem xét kế hoạch và đánh giá trình độ tiếng Trung của bạn qua bản kế hoạch này", Ngân nói.

Học bổng yêu cầu ứng viên phải có giải quốc gia nên nếu có dự định ứng tuyển, các thí sinh cần có kế hoạch từ sớm để phấn đấu. Ngoài ra, thời gian thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12 diễn ra sau thời điểm nộp hồ sơ học bổng, vì thế ứng viên nên cố gắng để dự thi vượt cấp, từ năm lớp 11.

Điểm trung bình học tập (GPA) cao cũng là một lợi thế. Suốt ba năm học, GPA của Ngân đạt từ 8,9 đến 9,7, với điểm tổng kết môn tiếng Trung luôn từ 9,6 trở lên.

"Hoạt động ngoại khóa quan trọng nhưng không phải yếu tố bắt buộc. Chỉ cần 2-3 hoạt động nhưng có chọn lọc và tập trung, giúp chứng tỏ ứng viên là người năng động", Ngân chia sẻ. Nữ sinh từng thi tranh biện tiếng Hoa do Đại học Ngoại thương tổ chức và vào vòng 2. Em cũng giành giải nhì cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ và tham gia dịch thuật một dự án cộng đồng về văn hóa Trung Quốc.

"Những bạn có ước mơ du học hãy chuẩn bị thật sớm để làm đẹp hồ sơ của mình. Đã mơ phải mơ lớn và bắt buộc bỏ ra sự nỗ lực lớn thì mới có khả năng thực hiện được", Ngân nói. Ngân (thứ ba từ trái sang) cùng cô giáo chủ nhiệm và bạn cùng lớp trong buổi chụp ảnh kỷ yếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngân (thứ ba từ trái sang) cùng cô giáo chủ nhiệm và bạn cùng lớp chụp ảnh kỷ yếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo VnExpress