Những thí sinh đặc biệt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cả nước có gần 990.000 thí sinh dự thi. Trong đó có nhiều thí sinh “đặc biệt” được giám thị viết hộ bài, phải đi xe lăn đến địa điểm thi, có người đã cao tuổi quyết tâm chinh phục tấm bằng cấp 3.

Đi thi làm gương cho con cháu

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, nhiều thí sinh đang công tác tại một số đơn vị dù tuổi cao cũng đã đến các điểm thi, quyết lấy tấm bằng tốt nghiệp THPT.

Anh Nguyễn Quang Giáp (53 tuổi, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp) tại phòng thi

Ông Nguyễn Quang Giáp (53 tuổi, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp) tại phòng thi.

Tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại Đắk Nông anh Nguyễn Quang Giáp (53 tuổi, trú tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp) là nhân viên của Đội quản lý học viên số 1, Trường Giáo dục và Giải quyết việc làm số 1, xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức.

Sau hơn 20 năm công tác tại đơn vị, do yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ người lao động, cơ quan tạo điều kiện cho anh Giáp tham gia lớp bồi dưỡng văn hóa tại trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật phương Nam. Tuổi đã lớn, lại gặp khiếm khuyết về tay nên suốt thời gian qua, anh Giáp đã nỗ lực rất lớn để hoàn thành khóa học.

Bàn tay của anh Giáp không duỗi thẳng được.

Bàn tay của anh Giáp không duỗi thẳng được.

Ngày 7/7, kết thúc môn thi ngữ Văn, anh Nguyễn Quang Giáp chia sẻ: “Tôi rất tự tin khi bước vào phòng thi. Đề ngữ Văn năm nay không khó. Thế nhưng, tôi chỉ làm được 50% đề thi, do hai bàn tay không cử động linh hoạt như người bình thường”.

Anh Nguyễn Quang Giáp kể, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, anh từ Hà Tĩnh vào Đắk Nông lập nghiệp. Do hoàn cảnh khó khăn nên anh Giáp chỉ học hết lớp 9 rồi đi làm. Đến năm 2001, anh được Trường Giáo dục và Giải quyết việc làm số 1 (thuộc UBND TP Hồ Chí Minh) tuyển dụng vào làm nhân viên và công tác từ đó tới nay.

Kỳ thi năm nay, anh Giáp lựa chọn 4 môn thi tốt nghiệp là Toán, Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử. “Tôi quyết tâm đi thi lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT để làm gương học tập cho con cháu sau này” - thí sinh 53 tuổi ở Đắk Nông, tâm sự.

Quyết tâm của nhà sư 40 tuổi

Ngày 7/7, tại điểm thi Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa có một thí sinh khá đặc biệt, đó là nhà sư Thích Quảng Phước (tên thật là Võ Văn Lâm, 40 tuổi, quê tỉnh Bình Phước) và đang tu hành tại tỉnh Bình Thuận.

Nhà sư Thích Quảng Phước (tên thật là Võ Văn Lâm, 40 tuổi, quê tỉnh Bình Phước) tham gia kỳ thi.

Nhà sư Thích Quảng Phước (tên thật là Võ Văn Lâm, 40 tuổi, quê tỉnh Bình Phước) tham gia kỳ thi.

Theo nhà sư Thích Quảng Phước, vào năm 2021 cũng đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Tuy nhiên, do thiếu 0,19 điểm nên bị trượt tốt nghiệp. Với quyết tâm chinh phục tấm bằng cấp 3, đầu tháng 12/2021, sư Thích Quảng Phước đã ra tỉnh Thanh Hóa để ôn luyện và học tập tại chùa Hưng Phúc, TP Thanh Hóa.

“Các bạn trẻ hiện nay học rất tốt. Trong cuộc sống rất cần có những vốn kiến thức, hiểu biết, bản thân cảm thấy cần trau dồi nên thầy quyết tâm học tập để chinh phục tấm bằng tốt nghiệp” -  nhà sư Thích Quảng Phước chia sẻ.

Trong tất cả các môn học, nhà sư Thích Quảng Phước thích nhất môn Lịch sử. Về đề thi Ngữ Văn năm nay. Nhà sư Thích Quảng Phước cho rằng, không quá khó và tự tin sẽ đạt điểm cao.

Những thí sinh “đặc biệt”

Tại điểm thi trường THPT Nguyễn Huệ (TP Thủ Đức) có một nhận trường hợp đặc biệt là em Phan Dương Thanh Bình (lớp 12D2, trường THPT Nguyễn Huệ).

Thí sinh Phan Dương Thanh Bình tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ, TP.Thủ Đức. Ảnh: YH.

Thí sinh Phan Dương Thanh Bình tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ, TP.Thủ Đức. Ảnh: YH.

Do bị tai nạn giao thông, bàn tay bên phải của em đã bị thương, phải băng bột. Trước khi kì thi tốt nghiệp THPT 2022 diễn ra, gia đình cùng Bình đã gửi đơn lên Sở GD&ĐT xin hỗ trợ, kèm theo một số giấy tờ chứng nhận từ phía bệnh viện, xác nhận trường hợp đặc biệt của Bình.

Theo đó, Bình đã được Hội đồng thi tạo điều kiện bằng cách đặc cách cho thi phòng riêng, có giám thị hỗ trợ viết bài. Thanh Bình là trường hợp duy nhất tại TP Hồ Chí Minh nhận được sự hỗ trợ đặc biệt này. Để đảm bảo tính công bằng, đúng quy chế, quy định thi, Hội đồng đã sắp xếp phòng riêng cho Bình kèm theo thiết bị ghi âm, ghi hình.

Tiến trình thi môn Ngữ Văn của Thanh Bình đã diễn ra liên tục, không gặp vấn đề gì. Được biết, trừ môn ngữ văn phải có giám thị coi thi viết hộ bài, ở các môn thi trắc nghiệm còn lại trong kỳ thi Thanh Bình sẽ tự làm.

Trước đó, em đã phải tập thao tác đánh trắc nghiệm bằng tay trái nhiều tuần liền. Cô Nguyễn Thị Hà (Trưởng điểm thi trường THPT Nguyễn Huệ) cho biết: "Với trường hợp của Bình, chúng tôi đã làm đúng hướng dẫn chỉ đạo của Sở. Đồng thời, phía thầy cô điểm thi cũng đã thăm hỏi, động viên để Bình giữ vững tinh thần bước vào kì thi.

Cũng liên quan đến vấn đề sức khoẻ, ngày 7/7, Lê Đức Hoàng (học sinh Trường THPT Yên Hoà, Hà Nội) phải nhờ sự trợ giúp của các tình nguyện viên đẩy xe lăn từ ngoài cổng trường vào phòng thi dưới trời mưa. Tại điểm thi THPT TP Sóc Trăng, một hình ảnh gây ấn tượng với nhiều người khi thấy thí sinh Trần Huỳnh Thúy Hằng (ngụ xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) đến điểm thi với chân trái bị bó bột, được các bạn chờ sẵn và dìu lên phòng thi.

Nữ sinh Trần Huỳnh Thúy Hằng được các bạn chờ sẵn và dìu lên phòng thi.

Nữ sinh Trần Huỳnh Thúy Hằng được các bạn chờ sẵn và dìu lên phòng thi.

“Ngày 19/6, em đi học về thì bị một xe gắn máy va chạm. Vụ tai nạn khiến em bị gãy chân trái nên việc di chuyển trong quá trình ôn tập cũng như những ngày thi khá khó khăn vì chân rất đau. Em rất vui khi được các bạn cùng phòng đã chờ sẵn tại điểm thi và dìu em lên phòng thi ở tầng trên”, thí sinh Trần Huỳnh Thuý Hằng cho hay.

Thúy Hằng cho biết trong buổi thi sáng hôm nay ở môn Ngữ Văn, em làm bài cũng khá ổn, dự kiến đạt khoảng 6 điểm. Còn đối với môn Toán, em cũng khá hồi hộp nhưng vẫn tự tin vì đã học khá kỹ kiến thức cơ bản và có sự động viên của gia đình và các bạn thi.

Nguồn kinhtedothi