Nhiều trường vẫn phải xét tuyển bổ sung
Bộ GD&ĐT: Nhiều phương thức xét tuyển đại học không hiệu quả
24 trường kết hợp thi với xét tuyển
Tuyển sinh đại học năm 2022: Kỳ thi tốt nghiệp có là cơ sở tin cậy để xét tuyển?
Trường Đại học Hùng Vương TP Hồ Chí Minh thông báo xét tuyển bổ sung
Đáng chú ý Trường Đại học Hùng Vương TP Hồ Chí Minh tuyển bổ sung đến hơn 2.000 chỉ tiêu cho 11 ngành đào tạo. Theo đó, với phương thức xét học bạ, xét kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông điểm sàn nhận hồ sơ chỉ từ 15 điểm. Còn phương thức xét điểm kỳ thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhận hồ sơ thí sinh có mức từ 500 điểm trở lên.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh (UEF), tiếp tục xét tuyển bổ sung cho tất cả 35 ngành bằng phương thức xét học bạ. Theo đó, Trường nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đến hết ngày 3/10, với mức điểm xét tuyển tổ hợp 3 môn lớp 12 hoặc 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 ) từ 18 điểm trở lên. Tương tự, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (HUTECH) cũng thực hiện xét tuyển bổ sung cho tất cả các ngành đào tạo theo phương thức xét học bạ. Chỉ tiêu tuyển bổ sung còn phụ thuộc vào số lượng thí sinh xác nhận nhập học đợt 1.
Một số trường đại học công lập lớn cũng phải tuyển bổ sung cho các ngành mới hoặc phân hiệu ở địa phương. Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh mới thông báo tuyển bổ sung 42 chỉ tiêu ngành Sư phạm Công nghệ. Đây là ngành mới tuyển sinh năm nay để đào tạo giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới. Với tổng chỉ tiêu năm nay là 50, nhưng đợt 1 ngành này mới tuyển được 8 chỉ tiêu. Theo đó, trường xét tuyển bổ sung theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022, với các tổ hợp xét tuyển gồm: A00, B00, D90, A02. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 21,6 điểm.
Ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ, nhu cầu xã hội với ngành này lớn nhưng có thể do năm đầu tuyển sinh nên thí sinh chưa hiểu rõ về ngành học này cũng như vai trò của môn học này trong Chương trình giáo dục phổ thông mới nên không đăng ký xét tuyển. Thực tế, các ngành đào tạo theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới mà trường đã tuyển nhiều năm như Sư phạm khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý lại rất hút thí sinh.
"Sau đợt 1 xét tuyển, có thể lượng thí sinh đạt từ 21,6 điểm trở lên không còn nhiều, nhưng điểm “sàn” nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung ngành này cũng không thể hạ thấp hơn" - ông Lê Phan Quốc cho biết.
Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng xét tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo chính quy tại Phân hiệu Vĩnh Long. Trong đó, phương thức xét học bạ tuyển 25% chỉ tiêu, số chỉ tiêu còn lại tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022. Cụ thể, ở phương thức xét học bạ, trường nhận hồ sơ của thí sinh có điểm trung bình tổ hợp môn đăng ký xét tuyển các năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 (A00, A01, D01 hoặc D07) từ 6,5 trở lên. Còn ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, điểm sàn xét tuyển từ 16 điểm với các ngành Kinh doanh nông nghiệp, Luật kinh tế, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; ngành Ngôn ngữ Anh có điểm sàn là 17 điểm; ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kinh doanh quốc tế điểm sàn là 18 điểm.
Theo quy định, điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung phải bằng hoặc cao hơn đợt 1 xét tuyển, vì thế các chuyên gia tuyển sinh lưu ý, thí sinh ngoài tìm hiểu kỹ thông tin về chỉ tiêu, phương thức cũng cần tham khảo điểm chuẩn đợt 1 để đăng ký xét tuyển các ngành với phương thức phù hợp.
Theo TTXVN