Nhiều trường đại học tăng mạnh chỉ tiêu xét tuyển năm 2023

Đại học Kinh tế Quốc dân tăng 100 chỉ tiêu, trong khi đó Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh tăng 1.310 chỉ tiêu so với năm 2022.
 Đại học Ngoại thương và Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đều tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2022. Ảnh: Việt Linh.

Đại học Ngoại thương và Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đều tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2022

Ngày 27.3, Đại học Kinh tế Quốc dân thông tin trường sẽ tuyển sinh 6.200 chỉ tiêu trong năm 2023. Như vậy, so với năm 2022, tổng chỉ tiêu xét tuyển của trường đã tăng 100.

Năm nay, trường sử dụng 2% tổng chỉ tiêu để xét tuyển thẳng, 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 và 73% còn lại được dùng để xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.

Trước đó, vào ngày 21.3, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố thông tin dự kiến về phương thức xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2023.

Theo đó, trường dự kiến tuyển sinh 2.000 chỉ tiêu đại học chính quy cho 27 ngành/chương trình đào tạo với 5 phương thức xét tuyển. So với năm 2022, trường tăng 320 chỉ tiêu.

Các phương thức xét tuyển được Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn áp dụng bao gồm: Xét tuyển chứng chỉ quốc tế, xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh tăng 1.310 chỉ tiêu. Ảnh: UEF - Đại học Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh

Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh tăng mạnh chỉ tiêu xét tuyển từ 5.300 trong năm 2022 lên 6.610 trong năm 2023.

Năm nay, trường dự kiến thực hiện đồng thời 4 phương thức tuyển sinh cho tất cả ngành đào tạo trình độ đại học chính quy, bao gồm: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ, xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng tăng 1.100 chỉ tiêu so với năm 2022. Cụ thể, với cơ sở TP Hồ Chí Minh, trường tuyển 7.650 chỉ tiêu cho 51 chương trình đào tạo. Phân hiệu Vĩnh long sẽ tuyển 630 chỉ tiêu cho 15 chương trình đào tạo.

Trong năm 2023, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tuyển sinh cho 5 ngành mới là Công nghệ tài chính (Fintech); Công nghệ Marketing (Martech); Kinh doanh số (Digital business); Kỹ sư robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI, hệ kỹ sư); Kỹ sư công nghệ Logistic (Logtech, hệ kỹ sư).

Theo thông tin tuyển sinh chính thức của Đại học Ngoại thương, trong năm 2023, trường dự kiến tuyển 4.100 chỉ tiêu cho trụ sở chính ở Hà Nội và các cơ sở trực thuộc. So với năm 2022, trường tăng nhẹ 50 chỉ tiêu. Ngoài ra, trong năm nay, Đại học Ngoại thương bắt đầu tuyển sinh ngành Kinh tế chính trị, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế tại cơ sở Hà Nội.

Dự kiến, Đại học Ngoại thương sẽ tuyển sinh theo 6 phương thức, bao gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT, xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập/chứng chỉ năng lực quốc tế, xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, xét tuyển thẳng (được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT).

Tương tự, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng tăng 50 chỉ tiêu so với đợt tuyển sinh năm 2023.

Năm nay, với chương trình đào tạo chuẩn, trường áp dụng 4 phương thức xét tuyển là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, xét bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023.

Đối với hệ đào tạo quốc tế ngành Kinh tế - Tài chính (do Đại học Southern New Hamsphire cấp bằng), trường sử dụng các phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, xét tuyển sử dụng kết quả học tập ghi trong học bạ THPT, xét bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực.

Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng tăng chỉ tiêu xét tuyển từ 750 lên 945.

Trong năm 2023, Đại học Luật sẽ áp dụng 8 phương thức để tuyển sinh, bao gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo đề án của Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội); xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; xét tuyển thí sinh là học sinh các trường dự bị đại học; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Theo Zing