Nhiều đại học Anh muốn "quay lưng" với sinh viên trong nước

Nhiều đại học danh tiếng của Anh muốn giảm người học trong nước, thu hút du học sinh để tăng nguồn thu.
Từ 2017 đến nay, học phí của sinh viên Anh duy trì ở mức 9.250 bảng Anh một năm (khoảng 280 triệu đồng). Trong bối cảnh lạm phát tăng, các chuyên gia tính toán giá trị thực của học phí chỉ còn 6.000 bảng, tương đương mức học phí hơn 10 năm về trước. Con số này thấp hơn nhiều chi phí trung bình để đào tạo một sinh viên. Mark Corver, đồng sáng lập DataHE, một công ty tư vấn giáo dục, cho rằng giá trị thực của học phí sẽ tiếp tục giảm. Mark Corver ví điều này giống như các doanh nghiệp đang được yêu cầu bán hàng với giá thấp hơn chi phí sản xuất. Nhóm Russell (24 đại học công lập hàng đầu) cho biết sẽ bù đắp sự thiếu hụt này bằng cách tăng lượng sinh viên quốc tế. Trong khi đó, họ không thể đáp ứng đủ số chỗ học cho sinh viên Anh, dù thanh niên trên 18 tuổi ở nước này tăng hàng năm. Hội đồng Anh ước tính sinh viên quốc tế phải trả học phí cao hơn sinh viên bản địa đáng kể, trung bình 22.000 bảng một năm. Số tiền thu được từ du học sinh tăng hơn 70% trong vòng sáu năm, lên tới 9,7 tỷ bảng Anh ở năm học 2021-2022. Hơn 30 đại học đã tuyển gấp đôi số sinh viên quốc tế trong giai đoạn này. Theo phân tích của tờ Guardian vào tháng trước, học phí của du học sinh chiếm 1/5 tổng nguồn thu của đa số trường đại học và lên tới 1/2 ở một số trường nghệ thuật. "Sinh viên quốc tế mang đến sự năng động cho các trường đại học ở Anh. Có những khóa học không thể thiếu sự đóng góp của sinh viên quốc tế và họ cũng hỗ trợ tích cực về tài chính cho các trường", giáo sư Quintin McKellar, phó hiệu trưởng Đại học Hertfordshire, chia sẻ. Lễ tốt nghiệp ở trường Đại học Birmingham Thực tế, thu hút 600.000 sinh viên quốc tế mỗi năm là mục tiêu được Bộ Giáo dục Anh đặt ra từ năm 2019 và hiện đã vượt con số này. Trong 6 năm, kể từ 2016, số sinh viên quốc tế ở Vương quốc Anh đã tăng 48%, đông nhất là từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nigeria. Ở một số trường, số du học sinh có thể chiếm tới 1/3, đồng nghĩa giảm hàng chục nghìn chỗ học cho sinh viên Anh. Theo giáo sư Colin Riordan, phó hiệu trưởng Đại học Cardiff, nhiều khả năng số chỗ cho sinh viên bản địa sẽ bị cắt giảm ở các ngành trọng điểm và có chi phí đào tạo cao như khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Song, việc tăng thu từ sinh viên quốc tế chỉ khả thi với những đại học top đầu, còn các trường top giữa không tự tin về việc này. Các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp bền vững hơn để giải bài toán học phí đại học. James Purnell, phó hiệu trưởng Đại học Nghệ thuật London, đề xuất đánh giá lại mức trần học phí 9.000 bảng Anh trong bối cảnh lạm phát hoặc cho phép một cơ quan tư vấn độc lập thiết lập mức trần học phí. Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần phân bổ các nguồn tài trợ hợp lý hơn, kêu gọi chính phủ hỗ trợ toàn bộ các dự án nghiên cứu thay vì chỉ 70% như hiện tại. Trong khi đó, nhiều người cảnh báo việc phụ thuộc vào nguồn thu của sinh viên quốc tế có thể dẫn đến rủi ro nếu việc tuyển sinh gặp gián đoạn. Theo VnExpress