Nhắm mắt tìm ánh sáng

Khi thiếu đi ánh sáng từ đôi mắt, sự cần cù, ham học hỏi sẽ mở ra một thế giới khác. Ở nơi ấy có ánh sáng của những ước mơ. Nhiều học sinh khiếm thị ở Hải Dương đã tìm được ánh sáng đó.
Nghị lực vượt khó khăn Không được may mắn như chúng bạn, em Nguyễn Ngọc Mai ở xã An Phượng (Thanh Hà) bị khiếm thị ngay từ khi lọt lòng mẹ. 15 năm nay, hình ảnh của thế giới xung quanh, những người thân yêu trong gia đình chỉ là những bóng mờ mờ trước mắt em.

Với Nguyễn Ngọc Mai và nhiều bạn học sinh khiếm thị khác, máy tính và internet đã mở ra một thế giới mới đầy màu sắc

Mai đến với Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục dạy nghề và tạo việc làm cho người mù (thuộc Hội Người mù tỉnh), học tập tại đây nay đã bước sang năm thứ 10. Đây cũng là nơi em và các bạn vẫn quen gọi là “ngôi nhà chung của những người như em”. 5 năm trước, Mai và các bạn cùng lớp được tiếp cận với máy vi tính theo chương trình của môn Tin học. Những lần đầu tiên khi ngón tay chạm vào bàn phím, một cảm giác thật khác sáng lên trong đầu Mai. Vượt qua biết bao bỡ ngỡ, khó khăn, Mai giờ đây đã thành thục soạn thảo văn bản với sự trợ giúp của phần mềm hỗ trợ tiếng nói. Không những thế, cứ có dịp là em lại sử dụng máy tính để kết nối internet, đắm chìm trong một thế giới đầy ước mơ, kiến thức và những điều bổ ích. “Em không còn nhớ rõ cảm giác khi lần đầu sử dụng máy tính, nhưng đó là một điều gì đó rất tuyệt vời. Nhất là gần đây em có thể tự mình truy cập internet, nghe bài học mới, nghe kể những câu chuyện lịch sử và thưởng thức những bài hát hay. Đối với em, internet là một thế giới đầy màu sắc”, Mai chia sẻ. Trong 60 học sinh đang theo học tại trung tâm này, Mai hiện là một trong những nữ sinh được đánh giá sáng dạ, yêu thích công nghệ thông tin. Cũng tại “ngôi nhà chung” ấy, em Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1998 dù đã tốt nghiệp cách đây 3 năm song vẫn là một trong những tấm gương về nghị lực học tập, nhất là về công nghệ thông tin. Ngày còn học tại đây, Cường đã tự mình viết một phần mềm quy mô nhỏ, bổ trợ cho phần mềm hỗ trợ tiếng nói. Phần mềm ấy đã giúp tất cả học sinh nơi đây sử dụng máy tính tốt hơn, hiện vẫn được trung tâm giáo dục đặc biệt này sử dụng. Ít tuổi hơn anh Cường, chị Mai, em Bùi Hà Thanh, sinh năm 2011 ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) nay mới lên lớp 6 ở trung tâm. Theo chương trình học, Thanh mới được tiếp cận với máy vi tính từ năm lớp 4, đến nay vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Cũng vì thế, cô bé dành cả sự đam mê vào những cuốn sách về lịch sử, địa lý, nhất là khoa học tự nhiên soạn bằng chữ nổi Braille. “Đọc sách sẽ mang đến kiến thức, từ đó mở ra những chân trời mới, ước mơ mới của chúng em”, Thanh chia sẻ. Với sự ham học hỏi, cứ mỗi dịp cuối tuần hoặc khi rảnh rỗi, Thanh lại nhờ gia đình đưa đến Thư viện để tìm đọc những cuốn sách yêu thích. Do số lượng đầu sách soạn bằng chữ nổi tương đối ít nên cô bé chỉ ước mong thật sớm thông thạo máy vi tính, để ngày nào đó có thể tự mình “lên” mạng, được thỏa đam mê học hỏi, được nghe những câu chuyện mới lạ, hòa mình vào một thế giới bao điều lý thú. Mong có cơ chế hỗ trợ đặc biệt Song ở “ngôi nhà chung” này, không phải ai cũng được như Mai, Cường hay Thanh. Nhiều em học sinh tuy đã thiệt thòi hơn chúng bạn bình thường ngoài kia lại mắc thêm nhiều tật khác, khiến các em chậm hơn bạn cùng tuổi. Vũ Kim Ngân, cô bé tuy bằng tuổi Mai nhưng nay mới học lớp 6 tại trung tâm là một trường hợp như thế.

Các em học sinh bị khiếm thị nhưng luôn ham học

Ngân cũng được tiếp cận máy tính từ năm lớp 4 như các bạn cùng lớp, song do kỹ năng yếu nên đến giờ cô bé vẫn chưa thể thông thạo. Tuy vậy, Ngân là một học trò rất yêu đời. Nói chuyện cùng em, chúng tôi cảm nhận rõ sự yêu đời ấy, không phải từ ánh mắt mà là từ ước mơ. Em ước mơ lớn lên sẽ trở thành người có ích, được giúp đỡ mọi người, và được hát. Theo cô giáo Phạm Vân Hương, giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học tại trung tâm, trẻ khiếm thị nói riêng và người mù nói chung dù được hỗ trợ từ phần mềm nhưng sử dụng máy tính vẫn rất khó. Với phần mềm hiện tại, các lệnh đọc sẽ được hệ thống đọc bằng tiếng Anh. Do đó để thành thạo máy tính, các em học sinh ở đây đã trải qua sự luyện tập, nỗ lực không ngừng. Cô Hương chia sẻ: “Cái khó nhất không nằm ở soạn thảo mà ở việc truy cập internet. Mỗi website lại có cách sắp xếp khác nhau nên nhiều khi các em học sinh rất vất vả mới có thể dò tìm được điều mình cần”. Chúng tôi rời trung tâm giáo dục đặc biệt này với một tâm trạng vừa mừng vừa lo. Mừng là vì các em học sinh nơi đây không đầu hàng số phận. Lo là bởi nơi này còn nhiều hạn chế. Lớp Tin học hiện chỉ có 13 máy tính còn sử dụng được, nhiều chiếc khác đã hỏng. Các em phải học theo nhóm, thời gian được dạy và học máy tính cũng vì thế chẳng được là bao. Nhiều em học sinh sau khi tốt nghiệp, dù tiềm năng như Cường song cũng khó có cơ hội học thêm để tìm công việc tốt. Riêng Cường, đam mê công nghệ thông tin với em giờ chỉ là những buổi sinh hoạt chung trong câu lạc bộ công nghệ thông tin dành cho người khiếm thị. Thiết nghĩ, cơ sở giáo dục đặc biệt cần cơ chế đối xử đặc biệt, đối với cả thầy cô giáo cũng như các em học sinh. Không chỉ từ các cấp chính quyền mà toàn thể xã hội. Người mù nói chung, các em học sinh nói riêng rất cần cộng đồng có cái nhìn khách quan, để được đối xử công bằng như những người khác. Qua đó có cơ hội được học tập, cống hiến. Hà Kiên