Nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa mới tăng đáng kể

Tại buổi tọa đàm về “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hoá giáo dục" diễn ra ngày 3.11, các chuyên gia giáo dục đã đưa ra những nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa mới tăng đáng kể so với sách giáo khoa cũ.

Chú thích ảnh

Sách giáo khoa mới đa dạng về kiểu cách thu hút học sinh. Ảnh: Lê Vân

Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam nêu 5 nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa mới cao hơn sách giáo khoa (SGK) cũ.  

Thứ nhất, sách soạn theo Chương trình 2018, các doanh nghiệp tự bỏ vốn để thực hiện toàn bộ các khâu từ biên tập, biên soạn, nhuận bút, quảng bá, tập huấn giáo viên, đặc biệt là mua vật tư in ấn. Trong khi trước đây Nhà nước hỗ trợ rất nhiều.

Thứ hai, giá nguyên vật liệu, công in, nhuận bút, chi phí tiếp thị, bồi dưỡng tăng lên. Nhuận bút của tác giả quy định theo mức lương khởi điểm, do đó khi lương tăng lên theo thời gian như quy định thì tác giả sẽ căn cứ vào đó yêu cầu nhuận bút. Đặc biệt là giá thành vật tư in ấn tăng lên rất nhiều. Do biến động của thế giới khiến cho đồng đô la, xăng dầu tăng lên khiến chi phí nhập khẩu giấy tăng lên. Ngay cả giấy sản xuất trong nước cũng đã tăng lên từ 25 - 30%.

Thứ ba, do khổ sách thay đổi, tăng lên 1,3 lần so với sách cũ. Đồng thời, SGK mới được in 4 màu với chất lượng cao, tốt không khác so với sách của các nước tiên tiến. Nhiều phụ huynh có ý kiến có thể in sách nhỏ hơn, chỉ sử dụng 1 màu khi in... Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng 1 màu khi in sách thì các em học sinh như học sinh lớp 1 khi học đến quốc kỳ của các quốc gia sẽ không thể phân biệt được, hay học đến các thí nghiệm vật lý, hóa học nếu màu sắc không đầy đủ thì các em cũng khó có thể học được tốt nhất. Vì vậy, hình ảnh cũng là phương pháp học tập mới, hình thức đổi mới phương pháp giáo dục.

Tại triển lãm SGK của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gần đây, chúng ta thấy rằng, giá 12 quyển SGK cấp 3 của Việt Nam chỉ 220.000 đồng, bình quân chỉ 18.000 đồng/1 quyển. Trong khi SGK của Singapore, Thái Lan, Indonesia... có chất lượng tương đương thì có giá lên tới 100.000 đồng - 150.000 đồng/ 1 quyển. Sách của Hàn Quốc, Nhật Bản cao hơn, lên tới gần 300.000 đồng/1 quyển...

Thứ tư, các bộ sách đều có phiên bản điện tử. Để xây dựng phiên bản điện tử này thì chi phí rất tốn kém, do các thí nghiệm, câu chuyện trong này không khác gì các phim hoạt hình, nên chi phí sản xuất rất cao.

Thứ năm, do nhiều đơn vị tham gia xuất bản nên thị trường thu hẹp lại, khiến cho giá thành tăng lên. Là doanh nghiệp tham gia biên soạn SGK, chúng tôi sẵn sàng và chấp nhận pháp luật quy định. Tuy nhiên, đề nghị Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ để luận giải đầy đủ, chi tiết đưa ra mức giá để người làm sách có thể chấp nhận được, làm được... nếu không hợp lý thì việc xã hội hóa sẽ không tiến hành được.  

Từ phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc định giá quan trọng là những nguyên tắc, phương pháp định giá, mà quan trọng nhất là làm sao vẫn tạo động lực cho các nhà xuất bản, huy động tối đa nguồn lực của các nhà khoa học tham gia. Tôi nghĩ rằng các nhà xuất bản nên yên tâm về chủ trương của Nhà nước.  

Theo Thứ trưởng, trong lựa chọn về sách, vấn đề làm sao tránh bất cập, những can thiệp không xuất phát từ cơ sở. Tới đây cũng có những kết luận để tránh tác động tiêu cực; cũng như nghiên cứu để điều chỉnh Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT trên tinh thần phải tôn trọng từ cơ sở, giáo viên, học sinh, nhà trường chứ không phải từ cơ quan quản lý cấp trên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng lấy ví dụ về giá sách giáo khoa của Việt Nam so với các nước so với Lào, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Australia, Nga.... Cụ thể, giá sách của các nhà xuất bản Việt Nam thấp hơn 7- 12 lần. Về khổ sách ở mức trung bình so với các nước; giấy in sử dụng tiêu chuẩn in có chất lượng sách bảo đảm vệ sinh học đường; trọng lượng sách ở mức trung bình. Về số màu, tại sao phải chọn bốn màu sách, vì sách phải biên soạn theo chương trình, từ truyền đạt trí thức sang phẩm chất năng lực, và điều kiện kinh tế như hiện nay thì các em phải được quan sát bằng màu, ở đây là bốn màu.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: "Hiện nay ưu tiên dành cho các em điều kiện tốt nhất trong điều kiện kinh tế có thể". 

Theo Báo Tin tức