Nga bắt đầu xử lý những dữ liệu đầu tiên từ tàu thăm dò Mặt Trăng Luna-25
Các nhà khoa học Nga đã bắt đầu xử lý những dữ liệu đầu tiên nhận được từ tàu thăm dò Mặt Trăng Luna-25 sau khi thông báo kích hoạt những thiết bị khoa học trên tàu.
Tàu đổ bộ Ấn Độ chia sẻ hình ảnh đầu tiên về Mặt Trăng
Nga tiết lộ nguyên nhân tàu đổ bộ Mặt trăng gặp nạn
Tàu vũ trụ Luna-25 của Nga đâm xuống bề mặt Mặt Trăng
Tên lửa đẩy Soyuz 2.1b mang theo tàu thăm dò Mặt Trăng Luna-25 đặt trên bệ phóng tại sân bay vũ trụ Vostochny, Nga, ngày 8.8.2023
Đây là thông tin mới được Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosnos đưa ra ngày 13.8.
Theo thông báo được Roscosmos chia sẻ trên Telegram, Luna-25 vẫn đang tiếp tục hành trình bay tới Mặt Trăng, tất cả các hệ thống của tàu đều hoạt động phù hợp yêu cầu, kết nối liên lạc ổn định, cân bằng năng lượng tốt. Dữ liệu đo đạc đầu tiên trên chuyến bay tới Mặt Trăng đã được tiếp nhận và đội ngũ khoa học của dự án đã bắt tay xử lý những dữ liệu này.
Trước đó, Nga đã phóng tàu thăm dò Mặt Trăng Luna-25 vào không gian rạng sáng 11.8 theo giờ địa phương. Động thái này đánh dấu bước khởi động lại chương trình thăm dò Mặt Trăng của Nga sau gần 50 năm. Tên lửa Soyuz mang theo tàu Luna-25 được phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga, bắt đầu chuyến bay đến Mặt Trăng dự kiến kéo dài 5 ngày rưỡi.
Sứ mệnh của Luna-25 là thử nghiệm các công nghệ hạ cánh mềm xuống vùng cực Mặt Trăng và tiến hành các nghiên cứu cấu trúc bên trong cũng như khám phá các nguồn tài nguyên, trong đó có nước. Nhiệm vụ khoa học của Luna-25 dự kiến kéo dài 1 năm.
Tàu thăm dò trước đó của Nga, Luna-24, được phóng vào không gian năm 1976. Sự kiện này đã đi vào lịch sử khám phá vũ trụ thế giới khi mẫu vật lấy từ Mặt Trăng thời điểm đó đã chứng minh sự hiện diện của nước trên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất này. Sau Luna-25, Nga có kế hoạch phóng tàu Luna-26 và Luna-27 lần lượt trong các năm 2024 và 2025.
Theo TTXVN