Năm học 2021-2022: Khắc phục khó khăn, ứng dụng công nghệ vào hoạt động giáo dục
Đoàn trường THPT Dương Minh Châu: Tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam” năm học 2022-2023
Huyện Dương Minh Châu: Khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX
Giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa hướng dẫn học sinh lớp 12 đăng ký hồ sơ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Ngọc Bích
KẾT QUẢ NỔI BẬT
Ngành Giáo dục đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh, triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “Bảo đảm sức khoẻ, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên lên trên hết” đồng thời thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch, chủ động tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình của địa phương, tổ chức dạy học qua internet và trực tuyến; điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá, hoàn thành kế hoạch năm học 2021-2022.
Năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non (GDMN), trong đó có hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
“Mặc dù chịu tác động sâu rộng của dịch Covid-19 nhưng toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép trong năm học 2021-2022, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục”- lãnh đạo Sở nêu.
Chất lượng giáo dục được duy trì, ở bậc học mầm non, do ảnh hưởng dịch bệnh nên số cơ sở GDMN tổ chức bán trú giảm so với năm học trước. Toàn tỉnh có 172 cơ sở GDMN tổ chức bán trú (75 trường, 97 nhóm lớp độc lập). 100% các cơ sở GDMN tổ chức bán trú sử dụng phần mềm dinh dưỡng để thiết lập dưỡng chất, xây dựng thực đơn, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn tại trường/lớp đáp ứng các yêu cầu điều kiện về an toàn thực phẩm, bảo đảm cân đối, hợp lý về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và phù hợp với cá nhân trẻ. Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong cơ sở GDMN.
Giáo dục phổ thông, ở cấp tiểu học, đối với lớp 1 và lớp 2, các trường tiểu học đã chủ động triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đối với lớp 3, lớp 4 và lớp 5, trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tiểu học và giáo viên tăng cường tính tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đối với lớp 3, lớp 4 và lớp 5 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để chủ động tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với tình hình thực tế của từng trường.
Kế hoạch giáo dục bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, lựa chọn nội dung giáo dục tự chọn và xây dựng các hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu của học sinh và điều kiện của nhà trường, địa phương.
Cấp THCS và THPT, tỷ lệ tuyển mới lớp 10 đạt 84,4%. Sở đã chỉ đạo, tổ chức biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương lớp 7, lớp 10.
Tổ chức cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học tập và hoàn thiện các mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9 về bồi dưỡng CBQL, GV thực hiện chương trình GDPT 2018. Tất cả các cơ sở giáo dục trung học đã triển khai các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng phát triển năng lực học sinh (đối với lớp 7 đến lớp 12) và kiểm tra phẩm chất, năng lực học sinh (đối với lớp 6).
CHUẨN HOÁ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
Sở GD&ĐT tiếp tục chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên
Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, và Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30.6.2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện Công văn số 3397/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 11.8.2021 của Bộ GD&ĐT về giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở cấp phổ thông, Sở có Văn bản số 2967/SGDĐT-TCCB đề nghị các đơn vị rà soát, báo cáo giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên các cấp học.
Trên cơ sở rà soát nhu cầu và căn cứ số biên chế hiện có, Sở và các phòng giáo dục huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức cho năm học 2021-2022, đã tuyển dụng đợt 1 được 159 giáo viên, trong đó có 30 giáo viên mầm non, 40 giáo viên tiểu học, 39 giáo viên trung học cơ sở, 50 giáo viên trung học phổ thông để bổ sung cho đội ngũ giáo viên năm học 2021-2022.
Để bảo đảm “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” khi đã thực hiện hết số biên chế được UBND tỉnh giao hằng năm, ngành Giáo dục thống nhất và đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1217/QĐ-UBND ngày 1.6.2022 về việc giao số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên năm 2022; Thông báo số 1204/TB-SNV ngày 13.6.2022 về việc giao số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên năm 2022 đối với giáo dục đào tạo cấp tỉnh 60 chỉ tiêu và giáo dục đào tạo cấp huyện 115 chỉ tiêu.
ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Sở GD&ĐT chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục nghiên cứu lựa chọn các hệ thống quản lý học tập trực tuyến, áp dụng các mô hình dạy học trực tuyến hiệu quả; tổ chức tập huấn phần mềm cho CBQL và giáo viên trên toàn tỉnh về thực hiện một số phần mềm dạy học trực tuyến, tổ chức cho giáo viên tham gia tập huấn thiết kế kế hoạch bài dạy (giáo án) ứng phó với dịch Covid-19 do Bộ GD&ĐT tổ chức qua mạng.
Các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã sử dụng các hệ thống quản lý của VNPT, Viettel, OLM và các phần mềm dạy trực tuyến Zoom, Microsoft teams và Google Meeting tổ chức dạy học theo thời khoá biểu như dạy học trực tiếp, có phần mềm kiểm diện, kiểm tra giáo viên dạy học theo thời gian thực và lưu trữ trên Google Drive.
Giáo viên còn tham gia các nhóm trên Zalo, Facebook, YouTube để sử dụng các phần mềm như: Google Form, Azota, Quizzes, https://padlet.com, https://www.blooket.com/; https://www.liveworksheets.com; https://shub.edu.vn/… để kiểm tra, giao bài tập. Tuy nhiên trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên vẫn chưa đồng đều, đặc biệt đối với giáo viên lớn tuổi và giáo viên cấp tiểu học khả năng ứng dụng CNTT vào dạy học vẫn còn hạn chế.
Học sinh hào hứng tham gia hoạt động đọc sách có hướng dẫn của giáo viên tại thư viện trường tiểu học Thị trấn A, huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Phương Thuý - Tố Tuấn
TỒN TẠI, HẠN CHẾ
Tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp và tỷ lệ trẻ mầm non đến trường học bán trú giảm so với năm học 2020-2021. Tỷ lệ giáo viên tiểu học còn thiếu so với nhu cầu, nhất là đối với môn tiếng Anh, Tin học. Nguồn tuyển dụng không đủ so với chỉ tiêu tuyển dụng hằng năm- nhất là giáo viên mầm non, giáo viên ngoại ngữ và tin học.
Giáo viên ngoại ngữ và Tin học hiện nay không thu hút được vì sinh viên học xong thường có xu hướng đi làm cho các công ty, doanh nghiệp nước ngoài, các công ty lập trình, các trung tâm tin học - ngoại ngữ với thu nhập cao hơn rất nhiều so với đồng lương thấp trong các trường phổ thông.
Giáo viên mầm non mới trúng tuyển được xếp vào hạng giáo viên thấp nhất là hạng III tương ứng với lương A0, do đó mức lương khởi điểm thấp (hệ số 2,1 tiền lương thực lãnh khoảng trên 3 triệu đồng sau khi cộng thêm phụ cấp và đóng BHXH), không mang tính thu hút.
Nhân dịp tổng kết năm học và triển khai năm học mới, Công ty VEPIC đại diện cho các nhà xuất bản Đại học sư phạm, Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học sư phạm Huế trao tặng 4.500 bản sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 và 100 bộ thiết bị dành cho học sinh lớp 1, tổng trị giá 115 triệu đồng.
Đến thời điểm này, Công ty VEPIC đã trao tặng 560.000 bản sách giáo khoa Cánh diều lớp 3, 7 và 10 cho học sinh trên cả nước, tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Sau ba năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đến nay, bộ sách Cánh diều được sử dụng tại 56 tỉnh, thành trong cả nước.
Việt Đông