Mỹ sử dụng "bảo bối" FDPR để khóa công nghệ cao của Trung Quốc

Mỹ đã sử dụng FDPR để khống chế Huawei. Sau đó, Mỹ sử dụng FDPR đối với Nga. Giờ đây, Mỹ đang áp dụng FDPR lên ngành công nghiệp máy tính và siêu máy tính tiên tiến của Trung Quốc.

Các chip bán dẫn được nhìn thấy trên bảng mạch của máy tính - Ảnh: REUTERS

FDPR là vũ khí? Đó là một quy tắc ít được biết đến, cho phép các nhà quản lý Mỹ mở rộng quyền kiểm soát xuất khẩu công nghệ của họ vượt xa biên giới của Mỹ. Quy tắc về sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR - The Foreign Direct Product Rule) được Bộ Thương mại Mỹ công bố lần đầu tiên vào năm 1959 để kiểm soát việc kinh doanh các công nghệ của Mỹ. Về cơ bản, FDPR quy định nếu một sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ thì Chính phủ Mỹ có quyền ngăn chặn việc kinh doanh nó - bao gồm cả các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài. Việc áp dụng quy tắc này đã trở thành sự kiện lớn vào tháng 8.2020, khi FDPR được sử dụng để chống lại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co., Ltd. (HWT.UL). Các quan chức Mỹ đã cố gắng cắt nguồn cung cấp chất bán dẫn của Huawei. Tuy nhiên, Mỹ phát hiện các công ty vẫn đang vận chuyển chip Huawei được sản xuất tại các nhà máy bên ngoài nước Mỹ. Cuối cùng, các cơ quan quản lý Mỹ phát hiện một điểm nghẹt thở: Hầu hết các nhà máy sản xuất chip đều chứa các công cụ quan trọng từ các nhà cung cấp Mỹ. Vì vậy, Mỹ mở rộng quy chế FDPR để kiểm soát việc buôn bán chip được sản xuất bằng công nghệ hoặc công cụ của Mỹ. Động thái đó là một đòn giáng mạnh vào hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei. Sau đó, các cơ quan quản lý của Mỹ sử dụng quy chế mở rộng này đối với Nga và Belarus sau chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine để cắt đứt các hoạt động liên quan tới chip. Ông Dan Fisher-Owens, một chuyên gia về kiểm soát xuất khẩu đối với chip tại Công ty luật Berliner Corcoran & Rowe, nhận định rằng việc mở rộng FDPR đã thu hẹp khoảng trống trong thẩm quyền kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, ông Owens cho biết Mỹ nên thận trọng trong việc sử dụng quy tắc FDPR, vì nó có thể kéo các công ty nước ngoài vào quá trình kiểm soát của Mỹ. Điều này dễ "tạo ra xích mích" với các đồng minh có thể không đồng ý với việc áp dụng luật của Mỹ. Hôm 7.10, các quan chức Mỹ áp dụng quy tắc FDPR đối với ngành công nghiệp máy tính và siêu máy tính tiên tiến của Trung Quốc để ngăn nước này có được các chip điện toán tiên tiến. Theo lập luận của các quan chức Mỹ, chip tiên tiến trong các siêu máy tính của Trung Quốc vốn có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân và các ứng dụng quân sự khác. Mặc dù Mỹ đã đưa một số công ty siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách thực thể hạn chế khiến họ không mua được chip của Mỹ, nhưng những công ty đó bắt đầu thiết kế chip của riêng họ và tìm cách sản xuất chúng. Ông Karl Freund, nhà tư vấn chip tại Công ty Cambrian AI, người theo dõi không gian siêu máy tính, cho biết động thái mới nhất sẽ cấm bất kỳ công ty sản xuất chất bán dẫn nào sử dụng các công cụ của Mỹ bán chip tiên tiến cho Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có thể mất thêm ​​5 - 10 năm để bắt kịp công nghệ tiên tiến ngày nay, ông Freund nói thêm.

Theo Tuổi trẻ