Môn khoa học tự nhiên: Dạy nối tiếp hay song song ? 

BTN - Đa số giáo viên dạy các môn tự nhiên trong trường phổ thông chung một nhận định: không thể có chuyện một giáo viên dạy được cùng lúc ba môn học, nếu có, cùng lắm chỉ dạy được phần lý thuyết, riêng phần bài tập, giáo viên không thể nào đảm nhận được cả 3 môn.

Học sinh THCS Trường phổ thông Dân tộc nội trú Tây Ninh trong lễ khai giảng năm học mới 2022-2023. Ảnh minh hoạ

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, ở cấp THCS có một số môn học mới được ghép lại các môn học độc lập. Trong đó, môn Khoa học tự nhiên (KHTN) là sự tích hợp của 3 phân môn Hoá học, Sinh học, Vật lý thành các chủ đề. Tuỳ từng khối lớp, số chủ đề có khác nhau nhưng cấu trúc chung của SGK môn KHTN đều gồm phần mở đầu rồi lần lượt đến các chủ đề có kiến thức hoá học, vật lý và sinh học.

MỘT GIÁO VIÊN KHÔNG THỂ DẠY BA MÔN

Sau một năm triển khai ở lớp 6 và năm học này (2022-2023) ở lớp 7, theo đánh giá của nhiều giáo viên và cán bộ quản lý, sự hình thành môn KHTN nhằm mục đích tích hợp kiến thức khoa học tự nhiên (lý, hoá, sinh) vào một môn học. Khi học môn này, học sinh sẽ thấy được tính tổng thể của khoa học tự nhiên, rèn luyện cho học sinh các kỹ năng, năng lực khoa học tự nhiên. Thế nhưng, khi được bắt đầu đưa vào giảng dạy và học tập năm học 2021-2022 thì môn KHTN gây rắc rối nhất cho tất cả các cấp quản lý, giáo viên và học sinh.

Giới chuyên môn chỉ ra, rắc rối lớn nhất là việc bố trí bao nhiêu giáo viên dạy môn học này? Hầu hết giáo viên ở cấp THCS hiện nay được đào tạo tối đa 2 phân môn, trong khi môn KHTN có ít nhất 3 phân môn (Vật lý, Hoá học, Sinh học). Như vậy, một giáo viên không thể dạy được toàn bộ môn KHTN.

Có ý kiến giải thích rằng Bộ GD&ĐT đã, đang và sẽ tập huấn để giáo viên có thể dạy cả 3 phân môn. Thế nhưng, nếu tập huấn xong thì giáo viên có đủ sức dạy cả 3 phân môn hay không thì còn cần thời gian trả lời. Với kiến thức lớp 6 (đơn giản hơn) thì giáo viên có thể cố gắng.

Để giải quyết vấn đề trước mắt, năm 2021, Bộ GD&ĐT ra văn bản hướng dẫn, cho phép bố trí hơn một giáo viên dạy môn KHTN. Điều này đồng nghĩa với việc chia môn KHTN thành các mảng lý, hoá, sinh và bố trí mỗi giáo viên dạy một mảng (phân môn). Với cách làm này, năm học 2021-2022, việc thực hiện chương trình môn KHTN 2018 ở khối 6 xem như “tạm ổn”.

Sang năm học 2022-2023, ngày 19.4.2022, Bộ GD&ĐT ra Công văn 1496 hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học, trong đó có Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục dạy cuốn chiếu đối với môn KHTN. Có nghĩa, môn học này dạy nối tiếp, theo tính liên tục của các chủ đề trong SGK chứ không phân chia ra từng mảng để dạy song song như năm học 2021-2022 nữa.

Một ý kiến chia sẻ, hiện nay rất ít trường có thể bố trí một giáo viên dạy đủ cả 3 phân môn của môn KHTN vì không được đào tạo. Như vậy, để bố trí dạy cuốn chiếu theo logic các chủ đề, các trường bắt buộc phải bố trí hai hoặc 3 giáo viên dạy ở các thời điểm khác nhau trong năm học. Giáo viên có chuyên môn Hoá học sẽ dạy các chủ đề ở đầu SGK tương đương khoảng 9 tuần học, mỗi tuần 4 tiết, giáo viên có chuyên môn Vật lý sẽ dạy các chủ để về kiến thức vật lý tương đương với khoảng 11 tuần học (mỗi tuần 4 tiết), giáo viên Sinh học sẽ dạy các chủ đề còn lại vào các tuần còn lại của năm học.

NHIỀU BĂN KHOĂN

Công văn 1496 của Bộ GD&ĐT nêu, đối với môn Lịch sử và Địa lý lớp 6, lớp 7, chương trình bao gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lý và ngược lại.

Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường, Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học. Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn Lịch sử và Địa lý, mỗi phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ. Đối với các chủ đề chung ở lớp 7, hiệu trưởng phân công giáo viên có năng lực chuyên môn phù hợp để dạy học chủ đề chung.

Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng bao gồm nội dung phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý theo tỷ lệ phù hợp với nội dung, thời lượng dạy học của mỗi phân môn và chủ đề chung đến thời điểm kiểm tra, đánh giá. Giáo viên được phân công dạy học chủ đề chung, chịu trách nhiệm việc kiểm tra, đánh giá chủ đề chung (gồm đánh giá thường xuyên và định kỳ).

Đối với môn KHTN, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học. Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với việc sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường.

Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kỳ được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Theo tinh thần của văn bản trên, việc dạy môn học tích hợp có thể dạy nối tiếp (cuốn chiếu) cũng có thể dạy song song, tuỳ điều kiện từng trường. Việc tích hợp, nói đúng hơn, ghép ba môn học thành một môn KHTN khiến nhà trường, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Tính khoa học của việc dồn ghép ba môn học thành một đang là dấu hỏi lớn.

Đa số giáo viên dạy các môn tự nhiên trong trường phổ thông chung một nhận định: không thể có chuyện một giáo viên dạy được cùng lúc ba môn học, nếu có, cùng lắm chỉ dạy được phần lý thuyết, riêng phần bài tập, giáo viên không thể nào đảm nhận được cả 3 môn.

Việt Đông