Mô hình 9+: Mở nhiều con đường cho học sinh sau THCS
Gần đây, mô hình 9+ được nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn bởi sau tốt nghiệp các em vừa có bằng văn hóa vừa có bằng nghề, mở ra cơ hội có việc làm sớm.
72.000 thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng tuyển sinh Đại học năm 2023
Danh sách các trường xét học bạ để tuyển sinh đại học năm 2023
TP Hải Dương chia lại địa bàn tuyển sinh lớp 1
Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương làm thủ tục nhập học đợt 1 năm 2022 cho hơn 400 học sinh hệ 9+ (ảnh do nhà trường cung cấp)
Mô hình 9+ (vừa học văn hoá vừa học nghề) mở ra nhiều con đường cho học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 THPT hoặc những em sớm có định hướng nghề nghiệp.
Tiếp cận sớm thị trường lao động
Ngày 27.7, trên 400 học sinh vừa tốt nghiệp THCS háo hức với những giờ học đầu tiên tại Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương. Các em đều không trúng tuyển hoặc không đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023.
Nhiều em đã tìm hiểu và chia sẻ, học hệ 9+ (trung cấp) có nhiều lợi ích. Trong 3 năm, học sinh vừa học văn hoá vừa học nghề. Sau tốt nghiệp, có bằng cấp 3 tương đương với bằng tốt nghiệp THPT chính quy, lại được tiếp cận sớm với thị trường lao động.
Em Vũ Trung Hà, vừa tốt nghiệp Trường THCS Tuấn Việt (Kim Thành), đang theo học ngành điện công nghiệp hệ 9+ tại đây chia sẻ: "Em biết thực lực của mình khó đỗ lớp 10 nên không thi. Sau 3 năm học tại đây, em vừa có bằng cấp 3 vừa có bằng trung cấp nghề. Em sẽ sớm đi làm và có thu nhập phụ giúp bố mẹ", Hà nói.
Em Hồ Đình Đức (sinh năm 2004) đã học tại Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương Hải Dương. Trong khi các bạn cùng trang lứa đang tất bật đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học thì em đã trúng tuyển vào làm việc tại Công ty TNHH Ford Việt Nam với thu nhập khởi điểm khoảng 9-10 triệu đồng/tháng. "Theo em, điều quan trọng nhất với người học nghề hệ 9+ là phải học bằng sự nỗ lực và đam mê nghề nghiệp. Từ đó các bạn sẽ có động lực để phấn đấu", Đức nói.
Cùng quan điểm với nhiều phụ huynh khác, anh Nguyễn Văn Phương ở thị xã Kinh Môn chia sẻ: "Với tôi vào lớp 10 THPT không phải là con đường duy nhất đối với học sinh sau THCS".
Anh Phương vẫn động viên con tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT vừa qua. Biết lực học của con nên khi con thi trượt, anh không bất ngờ. Qua nhiều kênh, anh Phương đã trực tiếp đến Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương tìm hiểu và sớm đăng ký cho con theo học nghề hàn. "Tôi không tạo áp lực cho con. Học nghề vẫn là con đường rộng mở để con bước vào đời. Cũng có chút băn khoăn vì con còn nhỏ, nhưng thấy con quyết tâm nên gia đình yên tâm", anh Phương nói.
Sớm hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh
Năm nay, Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương tiếp tục tuyển 600 chỉ tiêu hệ 9+. Đến ngày 3.8, trường tuyển được gần 500 học sinh, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Thầy giáo Phạm Văn Ân, Trưởng Phòng Đào tạo của trường cho biết năm nay việc tuyển sinh sẽ kết thúc sớm hơn năm trước. Trường vừa được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư gần 70 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo, đáp ứng yêu cầu nguồn lao động có trình độ tay nghề cao.
Trường hiện có 46 giảng viên trực tiếp giảng dạy đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Theo thầy Ân, thời gian tới trường tiếp tục tuyển dụng giảng viên có trình độ cao, tập trung vào các ngành nghề thế mạnh và phù hợp với xu hướng như điện, cắt gọt kim loại, hàn, may, công nghệ thông tin...
Năm nay, Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương Hải Dương tuyển sinh 600 học sinh hệ 9+. Đến giữa tháng 7, trường đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu, sớm hơn so với kế hoạch đề ra.
Theo thầy giáo Vũ Xuân Kiên, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường đang đào tạo theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trường cũng đang triển khai phần mềm quản lý đào tạo, qua đó học sinh và phụ huynh có thể đăng nhập để nắm bắt toàn bộ quá trình học của các em như kết quả học tập, lịch học, lịch thi, lịch thi lại, học phí, khen thưởng và kỷ luật...
Theo thầy Kiên và thầy Ân, năm nay, công tác tuyển sinh thuận lợi do việc phân luồng sau THCS ở các trường tốt hơn những năm trước. "Mô hình 9+ giúp học sinh có tác phong công nghiệp, hình thành kỹ năng nghề ngay tại trường, giải quyết nhu cầu có việc làm sớm cho các em, đồng thời tạo nguồn lao động chất lượng tại tỉnh", thầy Ân nói.
2 trường này cũng đang liên kết với 30-40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; chú trọng gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho sinh viên, học sinh sau khi ra trường. Các trường còn bố trí xe ô tô đưa đón học sinh, sinh viên ở xa. Nhiều doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động ngay tại trường. Nhiều em có việc làm ngay ở những Công ty TNHH: Ford Việt Nam, Sumidenso Việt Nam, May mặc Makalot Việt Nam, May Tinh Lợi, Haivina... Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của các trường trên đều đạt 90% trở lên.
THẾ ANH
Toàn tỉnh có 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 9 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 19 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 4 trung tâm và 2 doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể đáp ứng gần 7.500 học sinh hệ 9+/năm. |