Máy ngủ Make in Việt Nam
Để phục vụ cho lối sống "healthy", hàng ngàn thiết bị công nghệ chăm sóc sức khỏe (wellness technology) đã ra đời như đồng hồ thông minh biết đo nhịp tim, cân điện tử phân tích chỉ số cơ thể, thiết bị đo lượng bụi trong không khí… Cùng với đó, các sản phẩm công nghệ phục vụ cho giấc ngủ (sleeptech) cũng xuất hiện. Nhưng sản phẩm đến từ Việt Nam thì lại rất hiếm hoi.
Lao vào bài toán khó
Theo Hiệp hội Ngủ Hoa Kỳ (American Sleep Asscociation), đang có một đại dịch về giấc ngủ chỉ thua kém đại dịch Covid-19 về mức độ ảnh hưởng. Người bình thường nếu mất hơn 30 phút để chìm vào giấc ngủ, chứng tỏ sức khỏe giấc ngủ của người ấy đang gặp vấn đề. Các hỗ trợ y khoa sẽ phải can thiệp, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tới các cơ sở y tế.
Vũ Ngọc Tâm, Giáo sư trẻ người Việt thành danh trên đất Mỹ, từng là một trong những giáo sư trẻ nhất tại Đại học Colorado (Mỹ) và sau này là Đại học Oxford (Anh). Là người sáng lập ra phòng lab về Mobile Networking Communication (truyền thông di động) ở Đại học Colorado, tư duy của Vũ Ngọc Tâm là nên nghiên cứu các công trình và sản phẩm có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống, vì xu hướng công nghệ thay đổi quá nhanh.
Nghĩ là làm, Giáo sư Tâm đã làm việc với Giaos sư Robin Deterding, một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sức khỏe, và phát hiện bản thân mình cùng nhiều người khác đang mắc phải chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là loại bệnh khiến người ta không thể rơi vào giấc ngủ sâu. Do đó, dù ngủ nhiều về mặt thời gian, nhưng nhiều người sau khi thức dậy vẫn cảm thấy lờ đờ, uể oải. Để theo dõi và chữa trị căn bệnh trên, bệnh nhân cần đo sóng não ở các Sleep Lab (phòng thí nghiệm giấc ngủ).
Nếu Mỹ có khoảng vài nghìn Sleep Lab, thì ở Việt Nam mới có khoảng 30 cơ sở y tế cung cấp loại hình dịch vụ này. Tại đây, người bệnh sẽ được gắn nhiều điện cực vào người để đo lường chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, chi phí đắt đỏ, người bệnh phải tốn công đi lại khiến Giáo sư Tâm nghĩ đến việc phát triển một thiết bị cá nhân để giải quyết câu chuyện này.
Earable NeuroScience ra đời với mong muốn ứng dụng các nghiên cứu về não bộ vào trong đời sống hàng ngày, từ đó mang tới những lợi ích cụ thể cho cộng đồng. Sau khi phát triển và nghiên cứu, sản phẩm của Earable NeuroScience không chỉ đo lường chính xác, mà còn là một chiếc tai nghe thông minh với thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) giúp chọn lựa âm thanh phù hợp với từng trạng thái não bộ mỗi người. Lao vào giải bài toán khó, sản phẩm của Earable tập trung vào việc cải thiện giấc ngủ, hướng tới xây dựng một nền tảng công nghệ về khoa học não bộ.
Sản phẩm đầu tiên đạt giải tại CES 2023
Sau thời gian dài nghiên cứu, FRENZ Braindband - thiết bị thông minh giúp đo lường trong thời gian thực các chỉ số sóng não và chỉ số cơ thể, từ đó tác động trực tiếp bằng âm thanh thông qua loa truyền âm qua xương đã ra đời. FRENZ Brainband giúp người dùng ngủ nhanh hơn, ngon hơn, sâu hơn, hoặc cũng có thể dùng cho mục đích thư giãn, tăng khả năng tập trung khi làm việc. Đây là thiết bị đeo thông minh duy nhất trên thị trường hiện nay giúp người dùng ngủ ngon hơn bằng cách sử dụng sóng âm thanh, phát đi nội dung phù hợp với sóng não của mỗi người.
Điều đáng nói, dù Earable NeuroScience có quy mô nhân sự còn khiêm tốn (khoảng 70 người), nhưng 90% là người Việt. Riêng FRENZ Braindband – sản phẩm đầu tay của Earable NeuroScience, phải qua 8 đợt thay đổi toàn bộ mẫu mã, thiết kế và thử nghiệm thực tế trên 1.250 người, đến nay đã bước vào giai đoạn sản xuất thương mại. Thông số kỹ thuật cho thấy, với FRENZ Braindband, 87% người thử nghiệm cải thiện được vấn đề về giấc ngủ (người bệnh ngủ nhanh hơn, giảm thời gian đi vào giấc ngủ trung bình chỉ 19 phút). Giá bán dự kiến 350 USD/ sản phẩm và được giao hàng vào tháng 4.2023, đây có thể coi là một thiết bị mang đậm trí tuệ Việt có khả năng vươn tầm quốc tế.
Để có được chỗ đứng trên thị trường, FRENZ Braindband sẽ cần thời gian chứng minh. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tự hào khi đây là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đạt được giải thưởng tại CES 2023 (triển lãm lớn nhất thế giới về lĩnh vực điện tử tiêu dùng) trong hạng mục Wearable (thiết bị đeo thông minh). Chặng đường phía trước của FRENZ Braindband còn rất dài, những khó khăn vẫn đang chờ Giáo sư Vũ Ngọc Tâm phía trước, nhưng chắc chắn anh và sản phẩm của mình đang cổ vũ rất nhiều starup Việt khác chinh phục thử thách điền tên mình lên bản đồ công nghệ toàn cầu, hoàn thành giấc mơ "Make in Việt Nam" chúng ta đang theo đuổi.
Theo Vietnamnet