Loạn giá tài khoản YouTube Premium "lậu" tại Việt Nam

Mức giá tài khoản YouTube Premium tại Việt Nam bị đẩy xuống quá rẻ sẽ kéo theo rất nhiều rủi ro cho cả người mua và bán trên thị trường "chợ đen".
Đã hơn một tuần kể từ khi YouTube mở kênh đăng ký chính thức dịch vụ trả phí (YouTube Premium) cho người dùng Việt Nam. Động thái của YouTube đã làm thổi bùng lên cơn sốt của người dùng Việt đối với loại dịch vụ nội dung số mới mẻ này. 

Hiện người dùng Việt vẫn có thể xem YouTube miễn phí. Tuy nhiên nếu có một tài khoản YouTube Premium, họ sẽ không bị làm phiền bởi vô số các thể loại quảng cáo “nhà tôi 3 đời…”. Bên cạnh đó, người dùng còn có thể bật YouTube dưới nền. Nói một cách khác, họ có thể tắt màn hình nhưng vẫn nghe được nội dung đang phát. 

Sự xuất hiện của YouTube Premium đang làm dấy lên trào lưu trả phí cho dịch vụ nội dung số

Cơn sốt mới khiến các diễn đàn, mạng xã hội, liên tục xuất hiện các bài đăng về YouTube Premium. Cùng với đó là những lời quảng cáo về các tài khoản YouTube Premium giá rẻ. 

Trước khi YouTube triển khai dịch vụ trả phí tại Việt Nam, người dùng thường phải mua tài khoản YouTube Premium trên “chợ đen” với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/tháng. Thế nhưng kể từ khi dịch vụ này chính thức xuất hiện, giá YouTube Premium trên "chợ đen" ngay sau đó đã hạ nhiệt.

Ghi nhận của PV cho thấy, ngay khi YouTube mở dịch vụ thu phí, giá tài khoản YouTube Premium trên chợ đen đã giảm xuống chỉ còn từ 20.000 - 30.000 đồng/tháng. 

Đến nay, sau hơn một tuần kể từ thời điểm đó, tài khoản YouTube trả phí hiện đang được rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Mới đây nhất, mức giá dịch vụ này thậm chí đã giảm xuống chỉ còn… 10.000 đồng/tháng.

Hiện gói dịch vụ YouTube Premium “chính hãng” đang được YouTube bán với giá 79.000 đồng/tháng. Mức giá này sẽ là 30.000 đồng/tháng nếu người mua nhóm nhau lại để mua gói tài khoản gia đình. 

Có thể thấy, so với giá “chính hãng”, tài khoản YouTube Premium trên thị trường “chợ đen” đang rẻ hơn nhiều lần. Đó cũng là lý do dịch vụ mua bán tài khoản lậu được nhiều người lựa chọn. 

Mức giá quá rẻ của các tài khoản YouTube lậu sẽ đi kèm với những rủi ro lớn cho người dùng. Ảnh: Trọng Đạt

Một người chuyên bán các loại tài khoản online cho biết, để có mức giá thấp, người bán sử dụng IP của một số nước có giá YouTube Premium rẻ. Tuy nhiên, tại những nước rẻ nhất, chi phí cho mỗi tài khoản YouTube Premium cũng phải mất tối thiểu 11.000 đồng. 

“Vậy nên mức giá 10.000 đồng/tháng mà nhiều người đang rao bán hiện nay thực sự khó hiểu. Nếu bán với mức giá này, người bán sẽ khó có lời. Với người mua, họ sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo”, người này cho biết. 

Việc loạn giá tài khoản YouTube Premium cũng khiến một số người bán nản chí và muốn bỏ thị trường. Theo anh V.N.A, một người chuyên bán YouTube Premium tại Hà Nội: “Nếu giá YouTube ở Việt Nam xuống đến mức cực rẻ, tôi sẽ bỏ hẳn thị trường này”. 

“Dịch vụ bán tài khoản của tôi không hạn chế chỉ ở Việt Nam mà còn có thể cung cấp cho nhiều nước khác. Một số người dùng tại Mỹ, Australia, Singapore,... vẫn có nhu cầu mua tài khoản YouTube trả phí với giá rẻ hơn so với thị trường sở tại”, anh V.N.A cho biết.

Với tình trạng loạn giá như hiện tại, người dùng nên cân nhắc việc mua tài khoản YouTube Premium trên thị trường “chợ đen”. Người bán có thể mua 1 tài khoản và bán cho nhiều người khác nhau, hoặc chỉ thanh toán tiền một tháng nhưng thu phí trọn gói 6-12 tháng. Trong những trường hợp trên, người mua gần như sẽ mất tiền oan khi khó có thể yêu cầu “bảo hành” tài khoản hay lấy lại tiền.

Một số người bán còn yêu cầu người mua phải cung cấp mật khẩu email gắn với tài khoản YouTube để làm tài khoản YouTube Premium “chính chủ”. Người mua cần hết sức cảnh giác với những trường hợp này. 

Người dùng không nên đưa mật khẩu hay mã OTP email cá nhân cho người khác dù với bất kỳ mục đích nào. Điều này nhằm hạn chế việc bị “bay màu” không chỉ email mà các tài khoản gắn liền với email, bên cạnh đó là bảo đảm an toàn cho dữ liệu cá nhân, tránh để bản thân và những người xung quanh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.

Theo Vietnamnet