Kinh nghiệm xây dựng trường học đạt chuẩn từ huyện Nam Sách
Nam Sách nhiều năm liền là một trong những đơn vị tiêu biểu của tỉnh về tỷ lệ trường học đạt chuẩn cao.
Xây dựng chương trình giáo dục mầm non: Bài học kinh nghiệm từ quốc tế
Ngành Giáo dục Hà Nội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm với ngành Giáo dục Tây Ninh
Kinh nghiệm khuyến học ở Đồng Lạc
Với 100% số trường học do UBND huyện quản lý được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó 20 trường đạt chuẩn mức độ 2 và 33 trường đạt chuẩn mức độ 1, Nam Sách nhiều năm liền là một trong những đơn vị tiêu biểu của tỉnh về tỷ lệ trường học đạt chuẩn cao.
Ưu tiên đầu tư cho giáo dục
Nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Nam Sách xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2015-2020". Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, từ năm 2015 đến nay, huyện đã đầu tư khoảng 320 tỷ đồng xây dựng gần 400 phòng học. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, việc đầu tư cho giáo dục tiếp tục được quan tâm. Huyện đầu tư xây dựng hơn 70 phòng học mỗi năm, tổng số tiền đã đầu tư từ đầu nhiệm kỳ đến nay trên 120 tỷ đồng.
Huyện Nam Sách có trên 95% số lớp học khối 1, 2, 3, 6 có tivi, bảng thông minh phục vụ dạy và học. Trong ảnh: Một lớp học ở Trường Tiểu học và THCS xã Nam Chính
Để đầu tư hiệu quả, các cấp chính quyền, nhà trường và các cơ quan chuyên môn luôn phối hợp chặt chẽ. Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện rà soát nhiều lần, cụ thể từng trường học để tham mưu kế hoạch cụ thể cho UBND huyện. Tại kỳ họp thứ năm (kỳ họp chuyên đề) tổ chức vào tháng 5.2022, HĐND huyện Nam Sách đã nhất trí bổ sung đầu tư 13 công trình xây dựng cơ bản năm 2022, chủ yếu là đầu tư cho giáo dục như công trình nhà lớp học Trường Tiểu học xã An Bình (20 tỷ đồng), Trường Mầm non xã An Sơn (13,6 tỷ đồng), Trường THCS xã An Lâm (11,5 tỷ đồng)...
Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng tích cực vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp cho giáo dục và đào tạo. Hiện nay, toàn huyện Nam Sách có trên 95% số lớp học khối 1, 2, 3, 6 có tivi, bảng thông minh. Nhiều nơi làm được việc này chủ yếu nhờ huy động nguồn lực xã hội hóa. Tại Trường Mầm non xã Nam Trung, Công ty TNHH Minh Hiệp (xã Hồng Phong) đã hỗ trợ 500 triệu đồng vật liệu làm nhà mái vòm, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bến Thành (xã Nam Trung) hỗ trợ toàn bộ chi phí thi công (khoảng 100 triệu đồng). "Trường Mầm non xã Nam Trung đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào tháng 4.2018. Với việc có thêm công trình nhà vòm và bổ sung cơ sở vật chất thời gian qua, trường đã đủ hầu hết các điều kiện, đang phấn đấu được công nhận đạt chuẩn mức độ 2 trong đầu năm 2023. Đây là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã", ông Nguyễn Văn Bền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Trung cho biết.
Về chuyên môn, huyện chú trọng bảo đảm thực chất trong giáo dục, nhất là chất lượng giáo viên, tỷ lệ phổ cập, bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm học 2021-2022, điểm bình quân thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của huyện đạt 32,32 (cao hơn năm học trước 1,14 điểm và cao hơn mức bình quân của tỉnh). Học sinh cấp tiểu học và THCS đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia, cấp tỉnh. Huyện đã từng bước nâng cao chất lượng quản lý giáo dục nhờ đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng, phần mềm quản lý và kiểm tra đánh giá như Google Form, Shub Class, Microsoft Teams... Trong công tác quản lý, vai trò của hiệu trưởng được tăng cường gắn với tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Nỗ lực xóa điểm trường mầm non
Trước đây, việc tồn tại nhiều điểm trường mầm non được xem là khó khăn lớn nhất trong việc tiến tới 100% số trường học đạt chuẩn ở huyện Nam Sách. Nhiều xã có tình trạng mỗi thôn một điểm trường mầm non và không bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26.5.2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhờ vận động xã hội hoá, Trường Mầm non xã Nam Trung được 2 doanh nghiệp tài trợ xây dựng nhà vòm trị giá khoảng 600 triệu đồng
Tình hình tại xã Nam Chính là một ví dụ. Trước đây, 4 thôn ở xã Nam Chính từng có 4 điểm trường mầm non cũ riêng biệt. Các điểm trường này đều quá tải học sinh, điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn. Năm học 2018-2019, khi điểm trường tập trung hoàn thành, nhiều phụ huynh không muốn chuyển con đến học tại trường mới do xa nơi ở, phải mất nhiều thời gian đưa đón hơn trước. Dù đã tích cực tuyên truyền nhưng tỷ lệ học sinh đến lớp vẫn không cao. Nhà trường đã tổ chức họp riêng với phụ huynh học sinh lớp 5 tuổi, trực tiếp tuyên truyền đến từng người. Trường cũng mời nhiều phụ huynh đến dự giờ tại lớp học ở trường mới để thấy rõ sự chuyển biến. Sau đó, nhà trường tiếp tục quan tâm, hỏi thăm cảm nhận của trẻ và gia đình trong những ngày học ở trường mới, tạo sức lan tỏa trong nhân dân. Nhờ vậy, số học sinh học tại điểm trường trung tâm tăng mạnh, trường mới dần được lấp đầy, điểm trường cũ được xóa bỏ. Đến tháng 5.2022, Trường Mầm non xã Nam Chính được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đây cũng là cách làm của nhiều địa phương ở huyện Nam Sách trong giải quyết bài toán khó về xóa điểm trường mầm non.
Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng trường học đạt chuẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Vũ Quang Hoàng cho biết: "Để có được hệ thống trường học đạt chuẩn đồng bộ như hiện nay, cùng với đẩy mạnh đầu tư, cải thiện chất lượng giáo dục, các cấp, ngành, địa phương trong huyện đã chú trọng tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận giữa học sinh, phụ huynh với nhà trường, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, huyện quan tâm đáp ứng các tiêu chí, đẩy nhanh tiến độ công nhận trường đạt chuẩn sau sáp nhập đối với 5 trường liên cấp tiểu học và THCS".
PHONG TUYẾT