Khánh thành 2 phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 30.10, tại Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Lễ khánh thành hai công trình “Khu phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu” và “Tòa nhà công nghệ cao”.

Đây là hai công trình phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc Dự án ODA “Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ” từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản.

Chú thích ảnh

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước công trình

Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Dự án “Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ” được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm đầu tư là công trình trọng điểm, điểm nhấn nổi bật của khu vực Tây Nam Bộ nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng. Dự án có tổng vốn 12,306 triệu Yên Nhật, tương đương 2.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA là 10,456 triệu Yên (tương đương 1.912 tỷ đồng), vốn đối ứng của Trường Đại học Cần Thơ là 1,850 triệu Yên, tương đương 338 tỷ đồng.

Dự án gồm 5 hợp phần chính: Phát triển nguồn nhân lực; thực hiện các dự án nghiên cứu; xây dựng cơ sở vật chất; đầu tư trang thiết bị và dịch vụ tư vấn. Trong hợp phần “Xây dựng cơ sở vật chất” có 2 hạng mục xây dựng là: Công trình “Khu phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu” và “Tòa nhà công nghệ cao”.

Chú thích ảnh

Toàn cảnh “Khu phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu”

Công trình “Khu phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu” được thiết kế 7 tầng, tổng diện tích sàn 16.654 m2, sức chứa 750 người. Tòa nhà công nghệ cao gồm 5 tầng, với tổng diện tích sàn 25.713 m2, sức chứa 1.000 người. Kiến trúc mang phong cách hiện đại với đầy đủ công năng, tiện nghi phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và học tập, hàng năm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước.

Chú thích ảnh

Ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ - Công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ, Công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, tháng 11.2021, Chính phủ Việt Nam đã hoạch định Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Mục tiêu đầy tham vọng của Chiến lược này là giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống 30% vào năm 2050. Dựa trên Chiến lược này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững” và “Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành” với mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống 10% vào năm 2030.

Ông Watanabe Shige tin tưởng rằng, việc đưa vào sử dụng các công trình “Khu phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu” và “Tòa nhà công nghệ cao” của trường Đại học Cần Thơ sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố; góp phần tham giagiải quyết các vấn đề quan trọng quốc gia như đảm bảo an ninh lương thực, biến đổi khí hậu...

Theo TTXVN