Kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường

UNESCO đưa ra khuyến nghị này khi nhiều minh chứng cho thấy có mối liên hệ tiêu cực giữa việc lạm dụng thiết bị điện tử và kết quả học tập của học sinh.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ngày 26.7 công bố báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu 2023.

Báo cáo dẫn kết quả một nghiên cứu về giáo dục từ mầm non đến đại học ở 14 quốc gia, cho thấy điện thoại thông minh khiến học sinh mất tập trung vào việc học. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng học sinh có thể mất tới 20 phút để tập trung lại vào những gì đang học sau khi bị phân tâm vì sử dụng thiết bị này. Việc sử dụng điện thoại di động quá mức cũng tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ em.

Unesco cũng cho biết có rất ít nghiên cứu đủ sức chứng minh công nghệ kỹ thuật số mang lại giá trị gia tăng cho giáo dục. Phần lớn được tài trợ bởi các công ty đang cố gắng bán các sản phẩm kỹ thuật số.

Trong khi đó, việc loại bỏ điện thoại thông minh khỏi các trường học ở Bỉ, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh đã giúp cải thiện kết quả học tập của học sinh, đặc biệt là những em vốn không có thành tích tốt.

Do đó, UNESCO cho rằng các quốc gia nên cấm học sinh dùng điện thoại ở trường nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng.

Ảnh: UNESCO

Dựa trên phân tích về 200 hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, UNESCO ước tính 1/4 trong số này đã cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường, thông qua luật hay các bản hướng dẫn. Trong đó, Pháp cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường từ năm 2018 và mới đây nhất, Hà Lan cho biết lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ năm sau.

"Học sinh cần có khả năng tập trung và được trao cơ hội để học tập tốt. Khoa học đã chứng minh điện thoại là một sự xao nhãng. Chúng ta cần bảo vệ học sinh trước vấn đề này", Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan Robbert Dijkgraaf phát biểu hồi đầu tháng khi thông báo về lệnh cấm.

Ở Trung Quốc, giới hạn của việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số làm công cụ giảng dạy là 30% tổng số giờ dạy. Học sinh cũng được "nghỉ mắt" thường xuyên trong thời gian đó.

Ở Vương quốc Anh, quy định sử dụng điện thoại thông minh trong trường học khác nhau, thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng. Phần lớn trường học yêu cầu học sinh tắt điện thoại hoặc để ngoài tầm tay, chỉ sử dụng khi được giáo viên cho phép.

Báo cáo của UNESCO khẳng định toàn bộ công nghệ kỹ thuật số, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, phải luôn phụ thuộc vào "tầm nhìn lấy con người làm trung tâm" của giáo dục và không bao giờ thay thế được sự tương tác trực tiếp với giáo viên. Các quốc gia cần đảm bảo có mục tiêu và nguyên tắc rõ ràng khi sử dụng công nghệ trong giáo dục.

"Công nghệ phải được sử dụng nhằm nâng cao trải nghiệm học tập và vì lợi ích của học sinh và giáo viên. Hãy đặt nhu cầu của người học lên trước và hỗ trợ giáo viên", bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, nói.

Theo VnExpress