IELTS 4.0 quy thành điểm 10 tiếng Anh tốt nghiệp THPT gây bất công
Đỗ tốt nghiệp THPT dù không được thi
Dự kiến thi tốt nghiệp THPT 2025 chung đề, học sinh được tự chọn môn
Một học sinh Trường THPT Ninh Giang đỗ thủ khoa 3 khối thi tốt nghiệp THPT
Chiều 7.4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và đề cập những đối tượng được miễn thi môn ngoại ngữ tốt nghiệp THPT 2023.
Hai đối tượng được miễn làm bài thi môn ngoại ngữ bao gồm: Thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ theo Quyết định của Bộ trưởng GD-ĐT; thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ (giống hoặc khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông) hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 27.6.2023 và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định của bộ.
Theo đó, thí sinh có chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm trở lên do ETS cấp hoặc IELTS 4.0 điểm trở lên do IDP hoặc Hội đồng Anh cấp sẽ được miễn thi môn tiếng Anh, điểm môn này cũng được tự động quy đổi thành 10.
Đây không phải năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng chính sách này. Từ năm 2016, bộ đã quy định những thí sinh có IELTS 4.0 hoặc các chứng chỉ khác tương đương sẽ được miễn thi môn Tiếng Anh tốt nghiệp. Năm 2015, thí sinh chỉ cần có IELTS 3.5 là được miễn thi.
Đối với các nhà giáo dục, việc quy đổi 4.0 IELTS thành điểm 10 môn tiếng Anh sẽ tạo ra nhiều bất cập, đồng thời gây ra những luồng ý kiến trái chiều.
Không thể quy đổi IELTS 4.0 thành điểm 10 tốt nghiệp
Bàn về vấn đề quy đổi điểm, thạc sĩ Trần Minh Tú, giảng viên tại Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhận định đây là điều không hợp lý. Theo cô, IELTS 4.0 chỉ tương đương trình độ tiếng Anh cơ bản, nghĩa là chỉ dừng ở mức đọc hiểu văn bản tiếng Anh đơn giản, nhận biết các cấu trúc câu và từ vựng cơ bản. Nếu để quy đổi thành điểm thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT, cô Tú cho rằng 4.0 IELTS chỉ tương đương 5 điểm.
Do đó, việc quy mức IELTS thấp như vậy thành điểm 10 cho bài thi môn tiếng Anh tốt nghiệp sẽ không công bằng với những thí sinh không có điều kiện học và thi IELTS. Hơn nữa, điều này sẽ làm giảm giá trị của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về mặt lâu dài, cô Tú lo ngại việc quy đổi điểm sẽ khiến học sinh tìm mọi giá để thi IELTS thay vì thi tốt nghiệp THPT. Cô đặt câu hỏi liệu đây có phải là kết quả mà Bộ GD-ĐT mong muốn hay không.
Thầy Lê Khánh Minh, thạc sĩ Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh, giảng viên tại Đại học Hà Nội, cũng đưa ra quan điểm tương tự. Thầy Minh đánh giá cao độ khó của bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh, qua đó cho rằng 4.0 IELTS không phải lúc nào cũng tương đương với điểm 10.
Thầy Minh nhận định IELTS ngày nay càng được trọng dụng như một thước đo để đo lường khả năng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, không bài kiểm tra nào có thể đánh giá một cách toàn diện năng lực ngôn ngữ của thí sinh. Chưa kể, các bài thi đánh giá tiếng Anh cũng không giống nhau về kiểu cách ra đề và cho điểm.
Bản thân đề thi tốt nghiệp THPT thường tập trung vào lý thuyết ngữ pháp, từ vựng thay vì chú trọng thực hành, sử dụng những “nguyên liệu” đó để tạo ra bài viết, bài nói như thi IELTS. Vì thế, chúng ta rất khó để có một phương án quy đổi điểm đúng nhất để làm hài lòng tất cả thí sinh và phụ huynh.
Dùng IELTS trong xét tuyển, tuyển sinh thế nào cho phù hợp?
Về việc quy đổi điểm năng lực ngoại ngữ quốc tế thành điểm thi môn tiếng Anh tốt nghiệp, thạc sĩ Trần Minh Tú đề xuất Bộ GD-ĐT nên cân nhắc phương thức quy đổi khác phù hợp hơn thay vì mặc định 4.0 IELTS trở lên sẽ được 10 điểm.
Từ trước đến nay, các chuẩn đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế như IELTS, CEFR, TOEFL… đều có bảng mô tả năng lực, trình độ tương ứng để căn cứ và đưa ra mức điểm. Tại Việt Nam, bộ cũng từng ban hành quy định về khung năng lực ngoại ngữ (thông tư 01/2014/TT-BGDĐT) nên bộ hoàn toàn có thể căn cứ vào các tiêu chí đánh giá tương tự để đưa ra mức quy đổi phù hợp hơn.
Nói thêm về việc điểm IELTS quy đổi cho bài thi tốt nghiệp không được dùng để xét tuyển đại học, cô Tú nhận định điều này vẫn có thể tạo ra một số khó khăn nhất định cho học sinh. Nếu trong tương lai, Bộ GD-ĐT đưa ra phương án quy đổi hợp lý để phần điểm này có thể áp dụng đồng thời cho việc xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, học sinh sẽ đỡ vất vả hơn.
Hiện nay, IELTS được dùng khá nhiều trong công tác tuyển sinh đại học, cô Tú khuyên rằng học sinh cần phải có gốc rễ vững chắc rồi mới chinh phục những mục tiêu khác cao hơn. Do đó, nếu muốn chuẩn bị cho việc thi IELTS hay thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cũng cần luyện vững ngữ pháp cơ bản, học đặt câu, viết các đoạn văn ngắn…
Như vậy, dù là thi IELTS hay thi tốt nghiệp, dù đề thi giữ nguyên hay thay đổi, thí sinh vẫn có thể chủ động và hoàn thành bài thi tốt hơn, từ đó đạt kết quả cao cho kỳ thi tốt nghiệp, đồng thời trúng tuyển ngành học mong muốn ở trường đại học.
Tương tự, thầy Minh cũng khuyên rằng điều thí sinh cần làm là cập nhật kỹ các phương thức xét tuyển và các chỉ tiêu của mỗi phương thức tại trường bản thân mong muốn, từ đó đưa ra phương án ôn luyện hợp lý nhằm tối ưu thời gian và công sức bỏ ra.
Dù có sự khác nhau trong cách ra đề và chấm điểm, học tiếng Anh chương trình phổ thông và học để thi IELTS vẫn sẽ có sự giao thoa nhất định. Một trong những điểm chung của việc học ngôn ngữ là học sinh phải tập trung và ôn luyện đều đặn.
Đối với môn tiếng Anh nói chung, học ngắt quãng sẽ không phải là cách tối ưu. Do vậy, học sinh nên đề ra một lộ trình với thời gian học và nội dung học cụ thể để vừa đảm bảo tính liền mạch, vừa không xung đột vào khung giờ ôn luyện các môn văn hóa khác.
Đối với IELTS nói riêng, thực hành viết và nói chiếm tỷ trọng cao, những học sinh chưa quen với việc này thì cần dành thời gian từ sớm vì bản chất ôn thi IELTS không thể dùng theo cách “học thuộc” trong vài tuần là có thể đạt kết quả mong muốn.
Theo Zing