Học sinh Tây Ninh nói gì khi môn Lịch sử thành môn học tự chọn
Nhiều học sinh lớp 9 cho biết, nếu được lựa chọn sẽ không chọn học môn Lịch sử. Ảnh minh hoạ
Thời điểm này, các nhóm môn học tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong đó có môn Lịch sử- môn học đang trở thành tâm điểm của dư luận xã hội vẫn chưa có quyết định chính thức học tự chọn hay bắt buộc. Hiện tại, phần lớn học sinh lớp 9 ở Tây Ninh- nhóm đối tượng vừa chịu tác động vừa thụ hưởng chương trình giáo dục phổ thông mới khi lên lớp 10- không hề biết gì về chương trình và sách giáo khoa chuẩn bị triển khai. Nhiều em nói, nếu cho tự chọn, sẽ không chọn học môn Lịch sử.
NỘI DUNG DÀI, DẠY KHÔNG HẤP DẪN
“Cháu chưa nghe nói gì và không biết thông tin gì về Chương trình giáo dục phổ thông mới cả. Hôm nay nghe chú hỏi cháu mới biết năm học mới, lớp 10 sẽ có một số môn tự chọn. Nếu Lịch sử là môn tự chọn và được quyền chọn, cháu không chọn học vì nội dung dài quá”- Nguyễn Thuý Anh, học sinh Trường THCS Chu Văn An, TP. Tây Ninh trả lời chúng tôi.
Tương tự, Nguyễn Phi Hân, bạn chung trường với Nguyễn Thuý Anh cũng lắc đầu khi được hỏi có chọn học môn Lịch sử hay không. “Cháu sẽ chọn môn học khác, vì cháu thấy cách dạy môn học cổ hủ, mặc dù nội dung trong sách giáo khoa, theo cháu là khá hay.
Cách dạy môn Lịch sử cháu nói thật, không biết có đúng hay không, là nhàm chán. Còn làm gì để hết nhàm chán thì cháu không biết”- Trần Ngô Thanh Danh, cũng học sinh Trường THCS Chu Văn An bày tỏ quan điểm.
“Đến giờ cả nhóm cháu cũng không nghe, chưa biết gì về chương trình giáo dục phổ thông mới”- cả nhóm đồng thanh trả lời khi được hỏi có biết năm học tới đây học chương trình mới hay không.
Một nhóm học sinh Trường THCS Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cũng cho biết, nếu được quyền chọn sẽ không chọn môn Lịch sử, vì “trí nhớ có hạn, cháu không nhớ nổi ngày tháng diễn ra sự kiện cũng như những con số trong sách giáo khoa.
Nhưng, Lịch sử Việt Nam rất hay, điều đó không phủ định được”- em Nguyễn Thị Thuỳ Dương, học sinh Trường THCS Bàu Năng bày tỏ ý kiến. Em cũng nói thêm, ở Trường THCS Bàu Năng có một cô giáo dạy môn Lịch sử rất hấp dẫn.
Đến từ Trường THCS Suối Ngô, huyện Tân Châu, một học sinh nữ tên Hằng nhận xét, sách giáo khoa Lịch sử viết quá dài, chương trình học có nhiều giai đoạn, thời kỳ lịch sử nên không tài nào nhớ hết được.
“Cháu thấy nội dung môn Lịch sử trong sách giáo khoa còn dài hơn cả môn Địa lý, khó học, không có thời gian học. Nội dung môn Lịch sử không hẳn nhàm chán nhưng cách dạy không hấp dẫn”- một nhóm học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo bày tỏ suy nghĩ. Các em cho biết thêm, nếu được chọn theo nguyện vọng, sẽ không chọn môn Lịch sử.
Một nhóm học sinh lớp 9 gồm ba em ở thị xã Hoà Thành khi được hỏi có chọn môn Lịch sử trong năm học lớp 10 hay không, một bạn nữ trả lời có và hai nam sinh lắc đầu. Cũng như nhiều bạn bè khác, các em không hề biết gì về chương trình giáo dục phổ thông mới. Cả nhóm không giấu sự ngạc nhiên khi được biết, ngoài Lịch sử, nhiều môn học khác cũng chuyển sang tự chọn.
“Cháu có nghe nói Lịch sử và một số môn học khác sẽ chuyển sang tự chọn. Cháu sẽ chọn học môn Lịch sử để định hướng nghề nghiệp. Cháu nghĩ nên quy định Lịch sử là môn học bắt buộc, vì như thế mới hiểu rõ về lịch sử đất nước mình”- Bùi Ngân Khánh, một học sinh đến từ thị xã Hoà Thành cho biết.
Trong vai trò tình nguyện viên tiếp sức mùa thi, hai học sinh lớp 12 Trường THPT Tây Ninh cho chúng tôi biết, năm cuối cùng ở cấp THPT, các em chỉ lo học, không tìm hiểu thông tin nên không biết gì về chương trình giáo dục phổ thông mới.
Khi được hỏi về môn Lịch sử, cả hai nhìn nhận, vấn đề của môn Lịch sử là ở phương pháp dạy học, sự tận tâm trong lao động sư phạm của giáo viên chứ không phải ở nội dung sách giáo khoa. “Có thầy cô lên lớp chuẩn bị công phu, tiết học hấp dẫn nhưng cũng có người chỉ đọc trong sách giáo khoa cho xong tiết học, không giảng giải gì thêm”- hai em cho biết.
LỰA CHỌN NÀO CHO MÔN LỊCH SỬ?
Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ ngày 4.6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý, có thể quy định theo hướng môn Lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn. Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại, truyền thống văn hoá lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục văn hoá - lịch sử là đầu tư cho sự phát triển.
Thủ tướng lưu ý, với các chính sách tác động tới toàn dân, tới lợi ích chính đáng của người dân thì phải thận trọng, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng. Trước đó, ngày 23.5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết: “Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông”.
Tuy nhiên, như từng đề cập, quyết định sau cùng vẫn chưa có. Sau khi thông tin “môn Lịch sử có thể vừa tự chọn vừa bắt buộc” được đăng tải, giới chuyên môn nhìn nhận, nếu chọn phương án này, việc triển khai chương trình và sách giáo khoa ở cấp THPT sẽ cực kỳ phức tạp.
“Tôi là giáo viên dạy Lịch sử rồi sau đó có ba chục năm làm công tác quản lý, còn vài tháng nữa nghỉ hưu nhưng tôi băn khoăn lắm. Phương án tự chọn hay bắt buộc đã lộn xộn, sẽ lộn xộn hơn nếu vừa tự chọn vừa bắt buộc.
Nhìn rộng ra, không chỉ môn Lịch sử, nhiều môn khoa học cơ bản khác như Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý… cũng thành môn tự chọn. Hiện tại, nhiều trường THPT đã lên phương án, xếp xong nhóm môn học nhưng tình hình thay đổi như thế, phải chờ xem như thế nào.
Một số giáo viên dạy môn Lịch sử ở cấp THPT thậm chí có ý định xin nghỉ việc, vì biết trước sẽ có ít học sinh chọn học môn Lịch sử, nếu các em thật sự được quyền chọn”- Hiệu trường một trường THPT chia sẻ.
Đến nay, sách giáo khoa lớp 10 coi như đã làm xong. Bộ GD&ĐT đang thẩm định sách giáo khoa lớp 4 và lớp 11. Như vậy, xét cả trên phương diện kỹ thuật cũng như chuyên môn, việc điều chỉnh chương trình và sách giáo khoa ở cấp THPT là khó có thể thực hiện.
Chưa kể những thiệt hại không nhỏ về kinh tế liên quan đến in ấn, xuất bản, tác quyền… Trường hợp bắt buộc phải điều chỉnh, chuyển (ít nhất môn Lịch sử) từ tự chọn sang bắt buộc hoặc vừa bắt buộc vừa lựa chọn, theo giới chuyên môn, chưa hình dung được thực hiện như thế nào.
Xin nhắc lại, ngày 4.11.2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khoá XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp theo, lần lượt Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT thể chế hoá, cụ thể hoá chủ trương đổi mới giáo dục của Đảng.
Mặc dù năm 2013, Trung ương Đảng mới thông qua Nghị quyết 2929-NQ/TW nhưng ý tưởng thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục đã manh nha từ trước đó. Đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã và đang trải qua ba đời bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Hồi còn tại nhiệm, trong một phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã nói: “Thay chương trình và sách giáo khoa là một trận đánh lớn”. Sau nhiều năm chuẩn bị, năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới được cụ thể hoá bằng Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
Năm học 2020-2021, “trận đánh lớn” được mở màn bằng thay sách giáo khoa lớp 1. Điều đáng buồn, qua ngần ấy năm, không thấy ai có ý kiến gì, kể cả những người từng bỏ phiếu thông qua chương trình và ngay cả những người đang công tác ngành Giáo dục. Giờ, “nước đã đến chân”, chỉ còn vài tháng, sách giáo khoa lớp 3 và lớp 10 được triển khai thì mọi chuyện bỗng loạn hết cả lên.
Việt Đông