Hải Dương không để lỡ nhịp cầu số
Nam sinh Hải Dương trở thành thủ khoa ngành có điểm chuẩn cao nhất Đại học Bách khoa Hà Nội
Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương điểm chuẩn cao nhất là 24,5
Hải Dương có điểm thi đánh giá năng lực đầu tiên
Nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin-viễn thông ngày càng đồng bộ với điểm nhấn từ việc phát sóng thử nghiệm 4 trạm 5G đầu tiên của tỉnh
Là một trong những địa phương ban hành sớm Nghị quyết về chuyển đổi số (CĐS) và cũng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức Ngày CĐS (26.3.2022), Hải Dương đã thể hiện quyết tâm cao trên lộ trình CĐS nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh.
Không chỉ duy trì thói quen truy cập ứng dụng Smart Hải Dương từ giữa năm 2021, chị Lê Thị Ngọc ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) còn nghiên cứu cách thức kinh doanh thông qua tính năng cung-cầu của ứng dụng này. Chị Ngọc chia sẻ: “Smart Hải Dương mang đến cho người dùng những thông tin thời sự đáng quan tâm diễn ra trong tỉnh. Có thể chưa đầy đủ, song đây là những thông tin hữu ích. Ngoài ra, sau khi cập nhật phiên bản mới, ứng dụng cho phép người dùng đăng tin mua-bán sản phẩm. Đây có thể là kênh thương mại điện tử đầy tiềm năng”.
Do nhu cầu công việc, chị Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1989 ở xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) thường xuyên có mặt tại bộ phận “một cửa” của huyện. Để thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chị chỉ cần nộp hồ sơ tại bộ phận “một cửa” thay vì phải thực hiện trực tiếp nhiều khâu như trước. “Kết quả sẽ được gửi trả tận nhà, nộp tiền thuế cũng được thực hiện qua mạng, rất nhanh chóng, tiện lợi. Có thắc mắc hay khó khăn gì chúng tôi cũng đều được giải đáp kỹ càng”, chị Nhung cho biết.
Gần 6 năm qua, tất cả các thiết bị điện tử của gia đình bà Vũ Thị Loan ở phường Bến Tắm (Chí Linh) đều được kết nối internet. Từ dịch vụ truyền hình internet cho đến điện thoại sử dụng wifi. Cuộc sống sinh hoạt thường nhật của gia đình bà cũng từ đó thêm nhiều niềm vui mới. “Con cái tôi thường đi làm xa, cứ mỗi khi nhớ con nhớ cháu tôi lại dùng điện thoại thông minh gọi video qua các ứng dụng khác nhau. Dịch vụ viễn thông gia đình tôi sử dụng chất lượng ổn định, gặp sự cố được xử lý rất nhanh chóng, kịp thời”, bà Loan chia sẻ.
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều minh chứng cụ thể, rõ nét về sự lan tỏa công nghệ số tới mọi mặt của đời sống người dân Hải Dương. CĐS, nói một cách dễ hiểu hơn là những nền tảng, công nghệ thông tin đã và đang làm đổi thay cuộc sống của người dân theo hướng tích cực.
Ứng dụng thanh toán điện tử từ các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông-công nghệ thông tin đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ thói quen tiêu dùng số của người dân
Với quan điểm nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, điều hành xây dựng thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Hải Dương đã tập trung nguồn lực để triển khai đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, chuyển dịch sang hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thông (Information and Communication Technology – ICT). Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 trạm thu phát sóng di động (BTS), góp phần phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đến 100% dân số; hơn 2,1 triệu thuê bao di động, hơn 1,5 triệu thuê bao internet băng rộng. Đường truyền internet cáp quang băng rộng được triển khai đến gần 340.000 gia đình. Đặc biệt, 4 trạm phát sóng 5G đã được phát sóng thử nghiệm phạm vi hẹp trên địa bàn TP Hải Dương, tiến tới lắp đặt, phát sóng thêm 6 trạm 5G khác trong tỉnh vào cuối năm 2022.
Tất cả các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã xây dựng mạng kết nối nội bộ, tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%. Nền tảng tích hợp, dùng chung dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) hoạt động từ ngày 1.10.2019 tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức, liên thông tác nghiệp nghiệp vụ giữa các đơn vị. Nền tảng này đã kết nối thành công với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), kết nối, tích hợp với phần mềm, hệ thống ứng dụng của nhiều bộ, ngành.
Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận định một trong những điểm mấu chốt của CĐS là hạ tầng ICT. “Nền tảng hạ tầng ngày càng đồng bộ, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin trên không gian mạng luôn được bảo đảm đã và đang góp phần nâng cao chất lượng phương thức quản lý, giúp người dân, doanh nghiệp cải thiện đáng kể hiệu quả sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ”.
Hàng loạt thỏa thuận hợp tác về CĐS được ký kết giữa tỉnh với nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn; cơ quan nhà nước sử dụng nền tảng chia sẻ dữ liệu tích hợp; doanh nghiệp ứng dụng phần mềm trong quản lý, điều hành; người dân, hộ nông dân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy từ các ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin; thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng... Những "mảnh ghép" đó đang dần tạo nên "bức tranh" CĐS của tỉnh thời gian qua.
Để không lỡ nhịp cầu số, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Hoàn thiện nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của tỉnh; triển khai kho dữ liệu dùng chung; phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở. Nâng cao vai trò đi đầu của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trong tỉnh, từ đó lan tỏa công nghệ tới người dân, doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại điện tử. Tiếp tục nâng cao tính năng trong ứng dụng Smart Hải Dương, Hải Dương ID…
HÀ KIÊN