Hàng loạt phụ huynh nhận cuộc gọi ''con bị tai nạn'': Khó lật mặt kẻ lừa đảo?

Bị các số 0708905396, 0708905396, 0764785465, 0774197026… liên tục quấy nhiễu, phụ huynh lo lắng không biết khi nào lật mặt được những kẻ có hành động bất nhân này.

Mặc dù trong ngày hôm qua (14/3) và các ngày trước đó, các cơ quan, tổ chức và trường học liên tục ra cảnh báo cảnh giác thủ đoạn lừa đảo gọi điện thông báo “con bị tai nạn”, nhiều phụ huynh đã cảnh giác nhưng những đối tượng lừa đảo vẫn liên tục gọi điện cho nhiều phụ huynh qua các số điện thoại 0708905396, 0708905396, 0764785465, 0774197026, 076.8107537, 0328817027…

Liên tục quấy nhiễu phụ huynh

Chị Nguyễn Thu Hiền (Ba Đình, Hà Nội) kể, trong ngày hôm qua, chị thấy số máy 0708905396 gọi liên tục, khi chị nhấc máy thì đầu dây bên kia nói đúng họ tên con, học trường THPT Phan Đình Phùng đang cấp cứu tại bệnh viện 354 do ngã đập đầu chấn thương sọ não. “Tôi cũng đã nghe thủ đoạn lừa đảo nhưng để chắc chắn vẫn đến tận trường con, thấy con vẫn học trên lớp tôi mới yên tâm ra về”.

Chị Thanh H. (Thanh Xuân, Hà Nội) đang có cuộc họp quan trọng ở công ty, thì thấy số lạ gọi nói con bị ngã, đang cấp cứu, tính mạng nguy hiểm…

“Nghe thế tôi rất bức mình, biết rõ lừa đảo nhưng khi nó nói con như vậy tôi buột miệng quát lên “dừng ngay trò bất nhân lại”. Lúc đó cả phòng họp nhìn tôi như người ngoài hành tinh, tôi phải xin lỗi vì bức xúc quá. Đúng là những kẻ này chọn hành vi lừa đảo quá mất nhân tính, mong cơ quan công an sớm tìm ra”, chị H nói.

Hàng loạt phụ huynh nhận cuộc gọi 'con bị tai nạn': Khó lật mặt kẻ lừa đảo? - 1

Kẻ lừa đảo gửi số tài khoản để phụ huynh chuyển tiền

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ băn khoăn không biết vì sao kẻ gian lại biết rõ số điện thoại của cả hai vợ chồng, biết rõ họ tên, trường lớp của con đến như vậy.

“Đúng là bây giờ đến nhiều nơi phải khai báo tên, số điện thoại cá nhân. Tôi không hiểu thông tin cá nhân lộ lọt thế nào mà mỗi ngày tôi nhận được cả 5-7 cuộc điện thoại chào mời từ bảo hiểm, học tiếng Anh, chứng khoán, mời chào mua bất động sản…

Nhưng điều tôi rất thắc mắc là các nơi học thêm của con hay nơi khác chỉ khai tên con và bố (hoặc mẹ) là đủ, cò khai cả hai vợ chồng thì thường chỉ ở trường học và bệnh viện. Vậy mà có nhà cả vợ và chồng đều bị kẻ gian quấy nhiễu, không biết thông tin bị lọt ra ngoài từ đâu?”- chị H. băn khoăn.

Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ chân tướng kẻ lừa đảo để phụ huynh và người dân không bị làm phiền gây hoang mang. Trong khi đó nhiều người lại cho rằng, có thông tin đối tượng lừa đảo dùng xe phát sóng lưu động giả lập trạm thu phát sóng, tổng đài để nhắn tin và thực hiện cuộc gọi lừa đảo tới khách hàng, cuộc gọi này không qua các nhà mạng nên không thể truy vết được.

Chị Hoàng Thị H. (Tây Hồ, Hà Nội) thì cho rằng, cơ quan chức năng vào cuộc chắc chắn sẽ có nghiệp vụ tìm ra chân tướng kẻ lừa đảo vì ngoài việc gọi điện nói chuyện, chúng còn có cả số tài khoản và tên chủ sở hữu tài khoản ở ngân hàng.

Cẩn trọng khi đưa thông tin cá nhân

Trong khi chờ mọi việc được làm sáng tỏ thì các phụ huynh cũng tự dặn nhau nói với con em mình không cung cấp tên lớp, và tên con, tên và số điện thoại phụ huynh với những người tiếp thị ở cổng trường.

Chị An Hằng (Đống Đa, Hà Nội) thì “mách nước”: “Mỗi khi nghe thông tin về con, tốt nhất cứ gọi cho cô chủ nhiệm hay cho cho trước đã. Các anh chị cũng tránh đưa thông tin cá nhân của con lên mạng xã hội, lừa đảo bây giờ nhiều, chỉ sơ hở là nó có thể tổng hợp được data của phụ huynh, thêm công nghệ AI có khả năng tổng hợp và chắp nối thông tin là rất nguy hiểm”.

Các trường học trong những ngày qua cũng đồng loạt ra cảnh báo gửi thông báo phụ huynh học sinh cảnh giác trước hành vi lừa đảo "con đang cấp cứu".

Ngày 14/3, Ban giám hiệu trường THPT Việt Đức đã gửi thông báo tới toàn thể phụ huynh của trường lưu ý các thầy cô giáo cần thông báo tới phụ huynh để nâng cao cảnh giác, tăng cường phối hợp thông tin liên lạc giữa gia đình và nhà trường. Đồng thời, cảnh báo cha mẹ học sinh nhận được số máy lạ thông tin về tai nạn liên quan đến con thì tuyệt đối không chuyển tiền và liên lạc ngay với nhà trường để xác minh thông tin...

Trường PTCS Lương Thế Vinh cũng thông qua cô giáo chủ nhiệm các lớp gửi thông báo tới phụ huynh cảnh báo: Gần đây, các cơ quan truyền thông ghi nhận nhiều hiện tượng phụ huynh nhận được cuộc gọi thông báo học sinh bị tai nạn đang nhập viện, yêu cầu chuyển tiền gấp vào tài khoản cá nhân người gọi để đóng viện phí. Kính đề nghị phụ huynh cảnh giác, liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường (0246673…) hoặc hotline: 098846…/số điện thoại GVCN 0977… hoặc tổng đài của bệnh viện để xác thực thông tin.

Trường Marie Curie cũng khuyến cáo: Khi có sự việc bất thường xẩy ra đối với học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ liên lạc trực tiếp đến phụ huynh. Nếu cần tiền để làm thủ tục nhập viện, nhà trường sẽ chủ động thu xếp, phụ huynh không phải chuyển tiền cho bất kì ai.

Trong ngày 14/3, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn đề nghị Trưởng Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; Hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông, Giám đốc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, giáo viên, học sinh và khuyến cáo cha, mẹ học sinh trong toàn trường ở tất cả các cấp học nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo.

Hàng loạt phụ huynh nhận cuộc gọi 'con bị tai nạn': Khó lật mặt kẻ lừa đảo? - 2

Các số 0708905396, 0708905396, 0764785465, 0774197026, 076.8107537, 0328817027… liên tục quấy nhiễu nhiều phụ huynh

Cùng với đó, các đơn vị, nhà trường quán triệt đến cha, mẹ học sinh toàn trường, nếu trường hợp nhận được cuộc gọi hoặc nhắn tin từ số máy lạ thông báo về việc học sinh là con em của gia đình bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện thì cần bình tĩnh xác minh, tuyệt đối không chuyển tiền cho đối tượng với bất kỳ hình thức nào; Đồng thời liên hệ ngay với nhà trường để xác minh thông tin chính xác và trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị, nhà trường rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thông tin của cán bộ, giáo viên và học sinh; đồng thời tăng cường công tác phối hợp thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình, thông báo số điện thoại đường dây nóng của trường đến cha, mẹ học sinh và công khai trên cổng thông tin điện tử của trường.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cần có phương án tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh về những sự việc và thủ đoạn lừa đảo để thông tin rộng rãi đến cha, mẹ học sinh nhà trường.

Theo VTC