Giáo viên Tây Ninh: Ủng hộ việc cấm thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023. Một trong những điều chỉnh đáng chú ý nhất đó là quy chế không còn cho phép thí sinh mang thiết bị điện tử có chức năng ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ở Tây Ninh tán thành quy định mới của Bộ GD&ĐT.
Hết buổi thi mới được rời khỏi khu vực thi
Theo tinh thần của dự thảo (đang lấy ý kiến từ cơ sở, địa phương), thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi.
Thí sinh phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng thi và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi. Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý. Như vậy, so với quy chế hiện hành, các thiết bị điện tử có chức năng ghi âm, ghi hình không được đem vào phòng thi.
Liên quan quy trình tổ chức, hoạt động của các tổ, ban tại điểm thi, tại mỗi khu vực thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi của hội đồng thi (bao gồm in sao đề thi, coi thi, làm phách bài thi tự luận, chấm thi, phúc khảo) phải bố trí 1 điện thoại cố định đặt tại phòng làm việc chung hoặc phòng trực/phòng được bố trí riêng bảo đảm an ninh, an toàn.
Trường hợp không thể bố trí được điện thoại cố định ở điểm thi, chủ tịch hội đồng thi quyết định bố trí điện thoại di động không có chức năng ghi hình, không có thẻ nhớ, ngắt kết nối mạng internet và được niêm phong khi không sử dụng. Chỉ sử dụng chức năng nghe, gọi của điện thoại để liên lạc với hội đồng thi, ban chỉ đạo thi các cấp; mọi liên lạc qua điện thoại đều phải bật loa ngoài và nghe công khai.
Riêng với điểm thi, trong một số trường hợp cần thiết, có thể bố trí 1 máy tính tại phòng trực của điểm thi và bảo đảm máy tính chỉ được nối mạng internet khi chuyển báo cáo nhanh cho hội đồng thi.
Quá trình sử dụng điện thoại, máy tính tại mỗi khu vực thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi của hội đồng thi đều phải ghi nhật ký và có sự chứng kiến, xác nhận của cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra (riêng với khu vực in sao đề thi, cán bộ làm nhiệm vụ giám sát thực hiện việc chứng kiến, xác nhận).
Mỗi khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo của hội đồng thi phải bố trí các vật dụng để lưu giữ và bảo quản thiết bị thu, phát thông tin của những người đang thực hiện nhiệm vụ ở đó; các vật dụng này phải được niêm phong và được cán bộ công an giám sát. Uỷ viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học - kỹ thuật là viên chức của các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, trong đó, uỷ viên thường trực là công chức thuộc Cục Quản lý chất lượng.
Trong ngày làm thủ tục dự thi, trưởng điểm thi phân công các thành viên tại điểm thi hướng dẫn thí sinh làm thủ tục dự thi, phổ biến quy chế thi. Xác nhận những sai sót về họ, tên, đối tượng, nơi thường trú, khu vực của thí sinh và chuyển những thông tin này cho ban thư ký hội đồng thi xem xét, cập nhật vào phần mềm quản lý thi. Sau khi hoàn thành làm phách, trưởng ban làm phách bàn giao bài thi đã làm phách cho trưởng ban thư ký hội đồng thi theo chỉ đạo bằng văn bản của chủ tịch hội đồng thi.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022.
Tán thành quy định của bộ
“Tôi đã đọc kỹ quy chế (dự thảo) Bộ GD&ĐT vừa ban hành lấy ý kiến của các địa phương. Tôi tán thành quy định cấm thí sinh mang thiết bị điện tử có chức năng ghi âm, ghi hình vào phòng thi”- ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng Phòng Khảo thí và Công nghệ thông tin thuộc Sở GD&ĐT bày tỏ quan điểm của mình.
Ông Tài phân tích, nhiệm vụ của thí sinh là tập trung làm bài thi chứ không phải chống tiêu cực, “trên thế giới, hầu như không quốc gia nào cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi”.
Nhiệm vụ chống tiêu cực đã có các lực lượng khác thực hiện như thanh tra, giám sát kỳ thi. Mặt khác, việc cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi để chống tiêu cực cũng không khả thi, vì “thiết bị điện tử ngày càng hiện đại, tinh vi, giáo viên, giám thị không đủ trình độ để xác nhận chức năng của từng thiết bị.
Làm sao giám thị kiểm tra, phân biệt được thiết bị nào chỉ ghi âm, không có chức năng ghi hình hoặc ngược lại, do đó, việc cấm mang thiết bị vào phòng thi là đúng”- ông Tài phân tích.
Tương tự ý kiến nêu trên, bà Huỳnh Thị Tuyết Loan- Hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh cũng cho rằng, việc cấm thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi là đúng, vì “không rõ các địa phương thế nào, riêng Tây Ninh, kỳ thi tốt nghiệp diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế, không giám thị nào có những hành vi vi phạm quy chế. Nhiệm vụ của thí sinh là tập trung làm bài thi chứ không phải để quay phim”.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh nhìn nhận, tiêu cực trong kỳ thi “có thể diễn ra ở đâu đó” nhưng nhiệm vụ chống tiêu cực đã có lực lượng khác. Do vậy, thí sinh nên tập trung làm bài, không nên để mất thời gian, phân tán sự tập trung vào những việc không phải của mình.
“Kỳ thi đã có quy chế quy định chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận tham gia kỳ thi như thanh tra giám sát, giám thị, thí sinh, ai làm nhiệm vụ của người đó, thí sinh không nên làm nhiệm vụ của lực lượng khác”- ông Tài nói thêm.
Ông Huỳnh Văn Nghĩa- Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng bình luận, việc cấm hay không cấm mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi cũng có những bất cập. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, thí sinh chỉ nên tập trung làm bài, không để phân tâm bởi những việc khác. Ông Nghĩa còn đề nghị cần xem xét kỹ việc sửa đổi không cho thí sinh ra ngoài khu vực thi sau khi làm xong bài và đã hết hai phần ba thời gian làm bài.
Quy định cho (hoặc không cho) thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi đã có từ lâu. Sự kiện gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hồi năm 2006 bị một giám thị phát hiện bằng bằng chứng điện tử đã gây chấn động dư luận cả nước tại thời điểm đó.
Sau đó, tuỳ từng giai đoạn, có kỳ thi, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình để chống tiêu cực, gian lận trong phòng thi. Cũng có kỳ thi, thí sinh không được phép làm điều này. Những năm gần đây, quy chế kỳ thi cho phép thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Dự thảo sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023 đang lấy ý kiến từ cơ sở, địa phương.
Thông tin ghi nhận, đa số các địa phương tán thành việc Bộ GD&ĐT huỷ bỏ quy định cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Trên thực tế, quy định cho phép thí sinh mang thiết bị điện tử ghi âm, ghi hình vào phòng thi có tính hai mặt: mặt tích cực, người dự thi có quyền phát giác sự gian lận kèm theo bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến những sự cố mang tính nguyên tắc: thí sinh đi thi để làm bài thi chứ không phải đi chống gian lận trong thi cử.
Việt Đông