Giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến ở TP Hải Dương còn vướng gì?

Hiện nay, tất cả các xã, phường ở TP Hải Dương đều thực hiện giao dịch thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh, song cũng còn nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Mạnh Cường ở khu 5, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) phải mất gần 2 giờ để làm thủ tục trực tuyến cấp giấy khai sinh cho 2 con sinh đôi

Mất nhiều thời gian Sáng 23.6, chị Phạm Thị Ngọc ở thôn Thanh Xá đến bộ phận "một cửa" của UBND xã Liên Hồng để làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân. Do chưa nộp hồ sơ trực tuyến bao giờ nên chị nhờ con làm thay trên điện thoại thông minh. Con gái chị Ngọc cho biết: "Mặc dù đã làm theo đúng các bước hướng dẫn nhưng em không tài nào đăng nhập vào được, điện thoại báo lỗi sai tên đăng nhập hoặc mật khẩu". Anh Lê Văn Toán, công chức tư pháp-hộ tịch xã Liên Hồng cho biết nhiều người chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao di động hoặc chưa thay đổi thông tin thuê bao từ số chứng minh thư sang căn cước công dân nên không làm được. "Đối với những trường hợp này chúng tôi linh động nộp hồ sơ trực tuyến hộ công dân và nhắc nhở người dân đi chuẩn hóa thông tin thuê bao chính chủ", anh Toán nói.

Người dân tham khảo các bước giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến dán trên bảng thông báo tại bộ phận một cửa xã Liên Hồng (TP Hải Dương)

Nhiều xã, phường vẫn chứng thực giấy tờ trực tiếp cho người dân, sau đó cán bộ bộ phận "một cửa" tranh thủ số hóa những giấy tờ đó và nộp hồ sơ lên Cổng dịch vụ công bằng tài khoản cá nhân hoặc lập ra một số tài khoản khác để làm thủ tục trực tuyến. Việc này khiến kho dữ liệu cá nhân của nhiều cán bộ bộ phận "một cửa" đầy lên, dễ lộ lọt thông tin. Để làm thủ tục hành chính trực tuyến, không đơn giản chỉ tạo tài khoản, số hóa hồ sơ, nhập lên hệ thống mà nhiều thủ tục phải liên thông, chờ Bộ Công an cấp mã định danh hoặc các cấp, ngành khác có thẩm quyền ra quyết định nên thời gian hoàn thành một thủ tục hành chính kéo dài hơn so với làm thủ tục trực tiếp. Với người trẻ, sử dụng thành thạo điện thoại thông minh khi nộp hồ sơ trực tuyến cũng mất rất nhiều thời gian. Anh Nguyễn Mạnh Cường ở khu 5, phường Thanh Bình mất gần 2 giờ đồng hồ để làm thủ tục trực tuyến cấp giấy khai sinh cho 2 con sinh đôi.   Không khớp thông tin Theo quy định tại Luật Cư trú, từ ngày 1.1.2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng, người dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch dân sự. Tuy nhiên, hồ sơ hộ tịch trên căn cước công dân còn thiếu, chưa cập nhật hoặc chưa chính xác, gây khó khăn cho người dân khi làm các thủ tục hành chính. Đơn cử trên hồ sơ hộ tịch chỉ hiển thị nơi cư trú của năm làm căn cước công dân, không có thông tin nơi ở công dân trước đây. Do đó để làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân, công dân phải quay lại các phường, xã trước đây mình từng cư trú làm xác nhận hoặc phường hiện tại gửi công văn đề nghị xác nhận nên mất nhiều thời gian.  Tất cả các xã, phường của thành phố đều có các trường hợp sai khác thông tin giữa hồ sơ hộ tịch và dữ liệu quốc gia về dân cư. Ví dụ phường Tân Bình còn 100 người thuộc đối tượng chính sách có năm sinh trên căn cước công dân không khớp với giấy tờ công tác hoặc thời kỳ tham gia kháng chiến. TP Hải Dương là một trong những địa phương đi đầu trong tỉnh về chuyển đổi số trong giao dịch thủ tục hành chính nhưng vẫn nhiều vướng mắc như vậy thì ở các địa phương khác chắc chắn còn khó khăn hơn. Có những khó khăn là khách quan do trong giai đoạn đầu triển khai nhưng cũng có nhiều yếu tố chủ quan. Để tạo thuận lợi cho công dân khi giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến, trước hết các cấp, các ngành và các địa phương cần thực hiện tốt công tác làm sạch dữ liệu dân cư, dữ liệu hộ tịch, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Tất cả công dân đủ điều kiện được cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử mức độ 2, sớm liên thông các thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tích hợp thủ tục hành chính trên ứng dụng định danh điện tử VNeID... VĂN NGHIỆP