Giao dịch số tại Quỹ Tín dụng nhân dân: Tiện nhưng khó thực hiện
Dù nền tảng ngân hàng điện tử CFeBank mang lại tiện ích cho các Quỹ Tín dụng nhân dân trong thực hiện giao dịch số, nhưng việc ứng dụng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7 tích hợp trong nền tảng CFeBank rút ngắn đáng kể thời gian giao dịch của khách hàng. Trong ảnh: Nhân viên Quỹ Tín dụng nhân dân Phúc Thành hướng dẫn người dân đã có tài khoản Ngân hàng HTX Việt Nam về ứng dụng Co-opBank Mobile
Sử dụng nền tảng ngân hàng điện tử CFeBank với tính năng nổi bật là chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7, các Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) trong tỉnh đã tiến bước dài trong nỗ lực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khi ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng.
Tiện ích
8 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 8, chị Nguyễn Thị Thêm ở xã Thanh Tùng (Thanh Miện) thực hiện giao dịch chuyển tiền cho một đối tác trong nước tại Quỹ TDND Thanh Tùng. Chỉ sau 2 phút, tin nhắn từ phía đối tác báo về đã nhận được khoản tiền.
Chị Thêm kinh doanh phụ tùng máy móc nông nghiệp đã 20 năm nay và là một trong những khách hàng thân thiết của Quỹ TDND Thanh Tùng. Dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 mang đến tiện ích thực chất đối với chị. Chị Thêm cho biết: “Giao dịch tại Quỹ TDND giờ đây có nhiều đổi mới. Tôi còn nhớ nhiều giao dịch chuyển tiền trước đây mất từ 1-2 tiếng mới thành công, phía đối tác sốt ruột phải gọi điện hỏi lại. Nay chỉ cần 1 - 2 phút là xong”.
Với nhiều tiện ích, nhất là rút ngắn tối đa thời gian giao dịch, từ đầu tháng 3.2022 (thời điểm triển khai dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7) đến ngày 15.8, Quỹ TDND Thanh Tùng đã thực hiện 999 giao dịch chuyển tiền đi, 333 giao dịch chuyển tiền đến với tổng số tiền gần 232 tỷ đồng. Chỉ trong 5 tháng, hoạt động chuyển tiền đã tương đương 73% tổng số giao dịch, 95% tổng số tiền của quỹ này cả năm 2021.
Tham gia dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7 muộn hơn 1 tháng so với Quỹ TDND Thanh Tùng, đến ngày 15.8 Quỹ TDND Phúc Thành ở xã Quang Thành (Kinh Môn) đã thực hiện 238 giao dịch chuyển tiền đi, 156 giao dịch chuyển tiền đến, tổng số tiền hơn 61 tỷ đồng, chiếm 48% tổng số giao dịch, 35% tổng số tiền quỹ này đã thực hiện lũy kế từ đầu năm.
Kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, bà Nguyễn Thị Thơ ở xã Quang Thành cũng lựa chọn giao dịch tại Quỹ TDND Phúc Thành hơn 10 năm nay. Bà Thơ cho hay: “Lý do tôi lựa chọn giao dịch ở đây vì gần nhà. Hiện hoạt động của quỹ có thêm tiện ích chuyển tiền nhanh nên tôi càng yên tâm hơn”.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ Tín dụng nhân dân
Khó khăn
Quỹ TDND Thanh Tùng và Phúc Thành nói trên hiện là 2 trong số 31 Quỹ TDND trong tỉnh đã tham gia nền tảng chuyển tiền CFeBank do Ngân hàng HTX Việt Nam cung cấp. Ông Vũ Văn Tuyết, Giám đốc Ngân hàng HTX Việt Nam chi nhánh Hải Dương cho biết: “CFeBank là sản phẩm ngân hàng điện tử đi đầu của Ngân hàng HTX được chuyển giao đến các Quỹ TDND. Qua đó thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thu hẹp khoảng cách trong thanh toán điện tử giữa thành thị với nông thôn”.
Là đầu mối cung cấp các giải pháp số trong hoạt động của các Quỹ TDND, tháng 1.2022, Ngân hàng HTX chi nhánh Hải Dương đã triển khai dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7 tích hợp trong nền tảng CFeBank tại tất cả 31 Quỹ TDND đã tham gia CFeBank. Ngay sau khi dịch vụ này được triển khai, số lượng giao dịch, số tiền giao dịch tại các quỹ đều tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, Quỹ TDND là tổ chức tài chính vi mô nên nguồn lực đầu tư đổi mới gặp nhiều hạn chế. “Đây là nguyên nhân chính tạo lực cản không nhỏ trong chuyển đổi số tại các Quỹ TDND”, ông Tuyết nói.
Hiện việc trang bị máy chủ lưu trữ dữ liệu riêng để sử dụng ứng dụng chưa nhiều. Trước đó, những quỹ này phải tận dụng máy vi tính vừa làm việc vừa để lưu trữ dữ liệu. “Điều này đã ảnh hưởng tới cơ sở dữ liệu hoạt động, có thể gây ra nguy cơ về bảo mật khi xảy ra sự cố kỹ thuật”, ông Vũ Trọng Tiến, Giám đốc Quỹ TDND Thanh Tùng cho biết.
Đồng quan điểm, bà Ngô Thị Thùy Hương, Giám đốc Quỹ TDND Phúc Thành cho rằng không chỉ vấn đề cơ sở hạ tầng mà còn từ nguồn nhân lực. “Quỹ TDND Phúc Thành hiện không có nhân sự riêng phụ trách kỹ thuật, công nghệ thông tin. Nhiều thời điểm chất lượng truy cập mạng hoặc máy vi tính gặp sự cố, không thể truy cập nền tảng CFeBank, chúng tôi đều phải nhờ trợ giúp nên không thể chủ động”, bà Hương nói.
Nếu so với các ngân hàng thương mại, Quỹ TDND dù đã ứng dụng công nghệ trong giao dịch nhưng khó có thể hiện đại bằng. Đơn cử như việc ngân hàng thương mại có ứng dụng dành cho điện thoại thông minh, còn các quỹ thì chưa. Cũng vì thế nên người dân dù có thể chuyển tiền nhanh nhưng vẫn phải đến trực tiếp quầy giao dịch. “Quỹ TDND có lượng khách hàng không nhỏ, chủ yếu là người dân sinh sống xung quanh địa bàn nơi đặt quỹ. Đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ trong hoạt động của các Quỹ TDND là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi thời gian tới”, ông Tuyết nói thêm.
Tới đây, Ngân hàng HTX Việt Nam chi nhánh Hải Dương sẽ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phối hợp các Quỹ TDND để cử cán bộ về quỹ hướng dẫn người dân mở tài khoản của Ngân hàng HTX cũng như sử dụng ứng dụng dành cho điện thoại Co-opBank Mobile. Ngoài ra, nền tảng CFeBank sẽ được nâng cấp, hướng tới tích hợp tính năng chuyển tiền nhanh 24/7 đối với một số giao dịch…
HÀ KIÊN