Giải mã xác ướp "cậu bé vàng" sau hơn 100 năm tìm thấy
'Cậu bé vàng' được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1916 tại một nghĩa trang được sử dụng trong khoảng năm 332 đến 30 trước Công nguyên, ở Nag el-Hassay, miền nam Ai Cập.
Giải mã xác ướp 'cậu bé vàng'
Thi thể cậu được tìm thấy với một chiếc mặt nạ mạ vàng và một tấm che ngực, trong hai chiếc quan tài: chiếc bên ngoài được khắc bằng tiếng Hy Lạp và một chiếc quách bằng gỗ bên trong.
Xác ướp cậu bé chưa bao giờ được mở ra khám nghiệm. Quan tài được đưa vào tầng hầm của Bảo tàng Ai Cập ở Cairo.
Trong một nghiên cứu mới gần đây, các nhà khảo cổ đã sử dụng phương pháp chụp cắt lớp CT để nghiên cứu xác ướp của cậu bé vàng.
Họ phát hiện đây là xác ướp của một cậu bé tuổi thiếu niên, có địa vị kinh tế xã hội cao, sống vào khoảng 2.300 năm trước ở Ai Cập cổ đại.
Nghiên cứu cho thấy cậu bé cao khoảng 128cm. Dựa trên mức độ hợp nhất của xương và thực tế là răng khôn của cậu bé vẫn chưa mọc, các nhà nghiên cứu tin rằng cậu không quá 15 tuổi.
Điển hình của kỹ thuật ướp xác Ai Cập cổ đại, não của cậu bé đã được lấy ra qua mũi và hộp sọ của cậu bé được bơm nhựa thông. Tất cả các cơ quan quan trọng của cậu bé đã bị cắt bỏ qua một vết rạch, ngoại trừ trái tim vẫn còn trong lồng ngực.
Những phát hiện mới
Ít nhất 49 chiếc bùa hộ mệnh khác nhau bằng vàng và đá quý đã được phát hiện trong khu chôn cất và xung quanh cơ thể, mỗi loại tượng trưng cho các yếu tố tín ngưỡng khác nhau của người Ai Cập.
Chiếc lưỡi vàng được đặt bên trong miệng để đảm bảo cậu bé có thể nói chuyện với các vị thần ở thế giới bên kia.
“Nhiều chiếc bùa được làm bằng vàng, trong khi một số được làm bằng đá quý, đất sét nung hoặc đồ sứ. Mục đích của chúng là bảo vệ thi thể và mang lại sức sống cho thi thể ở thế giới bên kia”, tiến sĩ Sahar Saleem, tác giả đầu tiên của nghiên cứu và là giáo sư tại khoa y của Đại học Cairo, cho biết trong một tuyên bố.
“Còn con bọ hung tim bằng vàng rất quan trọng ở thế giới bên kia. Nó sẽ bịt miệng trái tim vào Ngày phán xét, để không làm chứng chống lại người đã khuất. Nó được đặt trong khoang cơ thể trong quá trình ướp xác để thay thế trái tim bị tan rã”, tiến sĩ Saleem nói thêm.
Cậu bé cũng được chôn cất cùng một đôi dép thường. "Đôi dép có lẽ được dùng để giúp cậu bé bước ra khỏi quan tài. Theo nghi lễ của người Ai Cập cổ đại, người chết phải đi dép trắng để tỏ ra ngoan đạo và sạch sẽ trước khi đọc kinh”, ông Saleem nói.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Medicine.
Theo Tuổi trẻ