Giải mã hiện tượng hai người giống hệt nhưng không phải họ hàng

Hai cầu thủ bóng rổ chênh nhau 5 tuổi ngoại hình giống hệt, trùng tên, cùng trải qua phẫu thuật khuỷu tay.

Brady Feigl, 32 tuổi, cầu thủ của Long Island Ducks, trông giống với Brady Feigl, 27 tuổi, đang chơi cho Las Vegas Aviators. Cả hai cầu thủ bóng chày người Mỹ đều cao 1,9m, có mái tóc đỏ rực và đeo kính.

Năm 2015, hai người lần đầu tiên bị nhầm lẫn với nhau khi cùng trải qua phẫu thuật khuỷu tay do cùng một bác sĩ tên là James Andrews thực hiện.

Xét nghiệm DNA cho thấy họ không có mối liên hệ sinh học nào. Tuy nhiên, bất chấp khoảng cách tuổi tác, cả hai vẫn cảm thấy gắn bó với nhau. “Theo một cách nào đó, chúng tôi vẫn là anh em”, Brady lớn tuổi hơn tâm sự với The Sun.

Hai cầu thủ bóng chày cùng có tên Brady Feigl và ngoại hình giống nhau. Ảnh: The Sun

Hai cầu thủ bóng chày cùng có tên Brady Feigl và ngoại hình giống nhau. Ảnh: The Sun

Hiện tượng song trùng

Hai cầu thủ bóng chày không phải là trường hợp đầu tiên có sự trùng hợp như vậy. Cell Reports đã tiến hành nghiên cứu 32 cặp trông giống nhau nhưng không có quan hệ họ hàng. Họ được gọi là song trùng.

Những cặp như vậy chia sẻ một số đặc điểm thể chất giống nhau đáng kinh ngạc. Đôi khi, hai người không liên quan dễ dàng bị nhầm là sinh đôi hoặc ít nhất là anh chị em ruột.

Các phân tích cho thấy những người song trùng có nhiều điểm chung hơn là vẻ bên ngoài. Theo tạp chí Cell Reports, những người có khuôn mặt rất giống nhau cũng chia sẻ nhiều gene và đặc điểm lối sống giống nhau.

Rõ ràng, những người có đặc điểm ngoại hình tương tự sẽ có một số DNA giống nhau. Nhờ có Internet, các nhà khoa học có thể theo dõi và nghiên cứu các cặp song trùng dễ dàng hơn bao giờ hết.

Để hiểu điều gì đang diễn ra ở cấp độ di truyền giữa những người giống nhau, các nhà khoa học đã hợp tác với nhiếp ảnh gia người Canada, François Brunelle. Từ năm 1999, Brunelle đã đi khắp thế giới để chụp chân dung của những người xa lạ trông gần giống nhau cho dự án “Chúng tôi không giống nhau”.

Nhóm tác giả đã yêu cầu 32 cặp người mẫu của Brunelle gửi DNA và trả lời các câu hỏi về lối sống của họ.

Các cặp song trùng dễ khiến người khác nhầm lẫn là sinh đôi. Ảnh: Smithsonianmag

Các cặp song trùng dễ khiến người khác nhầm lẫn là sinh đôi. Ảnh: Smithsonianmag

Sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt, các nhà khoa học phân tích ảnh chụp trực diện của các cặp và so sánh sự tương đồng giữa hai khuôn mặt. Một nửa số cặp song trùng được chấm điểm ngang với các cặp song sinh giống hệt nhau.

Các tác giả tiếp tục phân tích dữ liệu DNA của những người tham gia. Họ phát hiện 9 trong số 16 cặp chia sẻ nhiều biến thể di truyền phổ biến. Manel Esteller, nhà di truyền học, Viện Nghiên cứu bệnh bạch cầu Josep Carreras (Tây Ban Nha), nói: “Các cặp đó giống như sinh đôi ảo”.

Về lối sống, các cặp song trùng cũng có nhiều điểm chung như cân nặng, chiều cao, tiền sử hút thuốc và trình độ học vấn.

Mặc dù có các đặc điểm và di truyền tương tự nhau, những người giống nhau lại có hệ vi sinh vật, vi khuẩn có ích và có hại sống trên và trong cơ thể khác biệt. Ngoài ra, các bộ gene biểu sinh cũng khác nhau.

Điều đó cho thấy mối liên hệ giữa DNA và độ giống nhau của các cặp song trùng. Yếu tố môi trường không đóng vai trò gì trong hiện tượng này.

Khi dân số ngày càng tăng, chắc chắn sẽ có một số sự trùng lặp di truyền chỉ do ngẫu nhiên. Nhà di truyền học Esteller nhận định: “Dân số thế giới hiện là 7,9 tỷ người, nên những sự trùng hợp như vậy ngày càng có nhiều khả năng xảy ra”.

Các bác sĩ cho biết những người có DNA giống nhau có thể dễ mắc một số bệnh di truyền như nhau.

Theo Vietnamnet